Tabby star

Một nhóm hơn 200 nhà nghiên cứu, với sự tham gia của Giáo sư Jason Wright ở khoa Thiên văn học và Vật lý thiên văn Đại học bang Pennsylvania và đứng đầu bởi Tabetha Boyajian ở Đại học bang Louisiana đã tiến gần thêm một bước trong việc làm sáng tỏ bí ẩn phía sau "ngôi sao bí ẩn nhất vũ trụ".

Sao KIC 8462852, thường được gọi là "sao Tabby" - đặt theo tên của Boyajian - dường như là một ngôi sao bình thường, lớn hơn Mặt Trời của chúng ta khoảng 50% và nóng hơn 1.000 độ, nằm cách chúng ta khoảng 1.000 năm ánh sáng. Tuy nhiên, nó có sự mờ đi và sáng lên rất bất thường, không giống bất cứ ngôi sao nào khác. Nhiều lý thuyết đã được đề ra để giải thích độ sáng của ngôi sao này, trong đó có lý thuyết về một siêu cấu trúc của người ngoài hành tinh chuyển động quanh ngôi sao.

Bí ẩn của sao Tabby hấp dẫn đến nỗi có tới hơn 1.700 người đã quyên góp số tiền hơn 100.000 USD thông qua một chiến dịch của Kickstarter để hỗ trợ việc quan sát và thu thập thêm dữ liệu về ngôi sao này bằng một mạng mước kính thiên văn mặt đất trên khắp thế giới. Kết quả là, một lượng dữ liệu lớn đã được Boyajian cùng các đồng nghiệp của ông hợp tác với Đài quan sát Las Cumbres thu được và công bố mới đây trên Astrophysical Journal Letters.

"Chúng tôi đã hi vọng rằng một khi tóm được một lần thay đổi độ sáng trực tiếp xảy ra thì chúng tôi có thể xem xem liệu những lần mờ đi này có giống nhau ở mọi bước sóng hay không. Nếu chúng gần như giống nhau, nó sẽ gợi ý rằng nguyên nhân của việc này là thứ gì đó như một đĩa vật chất, hành tinh, sao hay thậm chí một cấu trúc lớn của nền văn mình ngoài Trái Đất," Wright nói. "Thay vào đó, nhóm nghiên cứu thấy rằng ngôi sao này bị mờ đi ở 1 số bước sóng nhiều hơn so với một số bước sóng khác."

"Nhiều khả năng nhất là bụi khiến cho ánh sáng của ngôi sao bị mờ đi hoặc sáng lên. Dữ liệu mới cho thấy những màu sắc khác nhau của ánh sáng bị chặn lại ở những cường độ khác nhau. Như vậy, bất kể là thứ gì đi qua giữa chúng ta và ngôi sao đó đều không phải hoàn toàn đục như trông đợi trước đây về một hành tinh hoặc một cấu trúc lớn của người ngoài hành tinh," Boyạian nói.

Các nhà khoa học đã quan sát sao Tabby từ tháng 3 năm 2016 đến tháng 12 năm 2017 tại Đài quan sát Las Cumbres. Kể từ tháng 5 năm 2017 đã có 4 lần riêng biệt mà độ sáng của ngôi sao bị giảm. Những người hỗ trợ trong chiến dịch tài trợ đã cùng bình chọn để đặt tên cho những giai đoạn này. Hai lần mờ đi đầu tiên được đặt tên là Elsia và Celeste. Hai lần sau đó được đặt tên theo các thành phố cổ đã mất là Scara Brae của Scotland và Angkor của Campuchia. Các tác giả nói rằng những gì xảy ra với ngôi sao rất giống với những thành phố đã mất này xét theo nhiều nghĩa.

"Chúng rất cổ xưa, vì chúng ta đang quan sát những thứ này ở thời điểm chúng xảy ra 1.000 năm trước," các tác giả viết. "Chúng gần như chắc chắn được tạo nên bởi thứ gì đó bình thường, ít ra là với qui mô vũ trụ. Và điều đó càng làm chúng thêm hấp dẫn. Nhưng trên hết, chúng đều bí ẩn."

Ngôi sao này được nghiên cứu bằng cách thu thập và phân tích một lượng dữ liệu rất lớn về cùng một đối tượng duy nhất. Phương pháp đó cũng là dấu hiệu mở ra một kỷ nguyên mới của thiên văn học. Các nhà khoa học làm việc với dữ liệu khổng lổ từ kính thiên văn không gian Kepler của NASA là những người đầu tiên đã xác định được hành vi bất thường của ngôi sao này.

Mục tiêu chính của nhiệm vụ Kepler là tìm kiếm các hành tinh bằng cách xác định những lần mờ đi của một ngôi sao gây ra do hành tinh chuyển động qua phía trước nó và làm cản một phần ánh sáng từ ngôi sao đó tới với chúng ta. Nhóm khoa học online có tên là Planet Hunters (Thợ săn hành tinh) đã ra đời và qua đó các tình nguyện viên có thể tham gia hỗ trợ việc phân loại sự biến đổi độ sáng trong dữ liệu của Kepler.

Giờ đây có thêm nhiều câu trả lời cần được tìm kiếm.

"Nghiên cứu mới nhất này loại bỏ khả năng về những siêu cấu trúc không gian, nhưng nó làm tăng khả năng về những hiện tượng khác ẩn sau sự mờ đi của ngôi sao này," Wright nói. "Có những mô hình về những thứ quanh ngôi sao, chẳng hạn như các sao chổi - như trong giả thuyết ban đầu mà nhóm nghiên cứu của Boyajian đề ra - khá phù hợp với dữ liệu mà chúng tôi có được."

Wright cũng nhấn mạnh rằng một số nhà thiên văn thích thú với ý tưởng rằng không có gì cản ánh sáng của ngôi sao mà chỉ là nó tự mờ đi - điều đó cũng khớp với dữ liệu thu được."

Bryan

Theo Science Daily