Earth vs 55 cancri e

Ngoại hành tinh 55 Cancri e có bầu khí quyển rất quen thuộc khi so sánh với Trái Đất của chúng ta. Tuy nhiên, đừng vội thắp lên hi vọng của bạn, vì nó quá nóng.

55 Cancri e là một siêu-Trái Đất (những ngoại hành tinh có khối lượng lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn Sao Hải Vương) có khí quyển chứa các thành phần chủ yếu là hydro, ni-tơ và oxy - tức là rất giống với khí quyển của Trái Đất. Tuy nhiên, hành tinh này có một năm chỉ kéo dài 18 giờ (nó chuyển động quanh sao mẹ theo chu kỳ 18 giờ) và nhiệt độ ở mặt hướng về sao mẹ có thể đạt tới 4.200 độ F (2.300 độ C).

Hành tinh này đã được phát hiện bởi kính thiên văn không gian Spitzer. Spitzer đã theo dõi rất nhiều lần quá cảnh liên tiếp của hành tinh này khi nó đi qua phía trước sao mẹ của nó để đưa tới kết luận về sự tồn tại của nó. Bằng cách theo dõi sự biến thiên của bức xạ hồng ngoại thu được, các nhà thiên văn kết luận rằng sự thay đổi nhiệt độ của hành tinh này chỉ có thể được lý giải bởi việc có sự tồn tại của một bầu khí quyển.

Vì hành tinh này bị khóa triều với sao mẹ của nó, nó có một mặt "lạnh" không bao giờ hướng về phía ngôi sao. Mặc dù vậy, mặt này vẫn có thể đạt tới nhiệt độ từ 2.400 đến 2.600 độ F (tương đương với 1.300 tới 1.400 độ C). Điều đó có nghĩa là phải có thứ gì đó có tác dụng truyền nhiệt từ mặt nóng (luôn hướng về sao mẹ) tới mặt lạnh. Ban đầu, thứ đó từng được cho là dung nham bao phủ trên bề mặt hành tinh. Tuy nhiên dung nham thì truyền nhiệt rất chậm, do đó, các nhà thiên văn học tin chắc rằng thứ gây ra sự truyền nhiệt phải là một bầu khí quyển dày.

Các nhà nghiên cứu chưa từng trông đợi việc tìm thấy khí quyển bao quanh một hành tinh nhỏ và gần sao mẹ của nó như vậy. Sao Thủy - hành tinh gần Mặt Trời nhất trong hệ của chúng ta - chỉ có một khí quyển tạm thời liên tục bị thay mới do bị bắn phá bởi các hạt trong gió Mặt Trời.

Những nghiên cứu tiếp theo sẽ có thể mang tới nhiều chi tiết hơn về khí quyển của 55 Cancri e và tìm hiểu xem liệu nó có phải một nơi có thể tìm kiếm sự sống hay không.

Sao mẹ của hành tinh này là 55 Cancri A - một sao lùn vàng có khối lượng gần bằng Mặt Trời, thuộc một hệ sao kép cách chúng ta khoảng 41 năm ánh sáng, ở hướng của chòm sao Cancer. Cho tới nay, các nhà khoa học đã xác định được 5 hành tinh chuyển động quanh ngôi sao này là 55 Cancri b, c, d, e và f. Sao đồng hành trong hệ của nó là một sao lùn đó có khối lượng chỉ khoảng 0,13 khối lượng Mặt Trời. Trong hình ảnh ở đầu bài viết, bạn có thể thấy so sánh kích thước tương đối giữa Trái Đất và hành tinh 55 cancri e.

Mặc dù việc xác định được sự tồn tại của khí quyển khá giống của Trái Đất trên hành tinh 55 Cancri e, nhưng với nhiệt độ như đã xác nhận được, cơ hội cho sự sống, dù ở dạng vi sinh vật, trên hành tinh như vậy là cực kỳ thấp, và tất nhiên 55 cancri e không thể là "Trái Đất thứ hai" hay "đích đến cho sự sống" như cách đưa tin sai lạc của khá nhiều tờ báo và website.

Bryan

Tham khảo: Astronomy, Wikipedia (EN)