M82

Ánh sáng từ một vụ nổ supernova trong M82 - một thiên hà bùng nổ tạo sao ở khá gần chúng ta - được kính thiên văn không gian Hubble ghi lại đã cho thấy một đám mây bụi khổng lồ trong không gian liên sao.

Supernova có tên là SN 2014J này được phát hiện vào ngày 21 tháng 1 năm 2014. Nó nằm ở vị trí được đánh dấu X trong bức ảnh chụp thiên hà M82 như bạn thấy ở trên.

Những hình ảnh nhỏ được chèn thêm ở phía trên của bức ảnh lớn cho thấy một ánh sáng dạng vỏ đang mở rộng từ vụ nổ và lan vào không gian liên sao, được gọi là "sự dội ánh sáng".

Những hình ảnh này bắt đầu được chụp sau khi vụ nổ được phát hiện 10 tháng và kéo dài gần 2 năm (từ ngày 6/11/2014 đến 12/10/2016). Ánh sáng dội vào một đám mây bụi khổng lồ trải rộng từ supernova ra 300 đến 1.600 năm ánh sáng và được phản xạ để truyền tới Trái Đất.

SN 2014J được phân loại thuộc nhóm supernova loại Ia và là vụ nổ như vậy ở gần nhất trong vòng ít nhất là 4 thập kỷ tới. Supernova loại Ia xảy ra trong những hệ sao kép gồm một sao lùn trắng đã đốt cháy hết nhiên liệu của nó và một sao đồng hành. Sao lùn trắng phát nổ sao khi nhận được quá nhiều vật chất bồi tụ từ sao đồng hành. (Đọc chi tiết trong bài "Nova và Supernova")

Hình ảnh M82 này cho thấy có một đĩa sáng màu xanh, những đám mây bị xé vụn và những đám khí hydro sáng rực lửa ném ra từ vùng trung tâm. Những cuộc chạm trán với người láng giềng to lớn hơn là thiên hà xoắn M81 khiến khí của M82 bị nén lại và kích thích sự hình thành của nhiều cụm sao. Một số sao trong số đó chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn và sau đó chết đi trong những vụ nổ supernova dữ dội, như có thể thấy ở SN 2014J.

Nằm cách chúng ta 11,4 triệu năm ánh sáng, M82 xuất hiện ở cao trên bầu trời phía Bắc vào mùa xuân, ở hướng của chòm sao Ursa Major (Gấu Lớn). Nó còn được gọi là "Thiên hà Xì gà" bởi dạng elip đặc biệt tạo bởi góc nhìn nghiêng của chúng ta tới đĩa chính của nó.

Hình ảnh M82 lớn mà bạn thấy được chụp bởi camera khảo sát cao cấp của kính thiên văn không gian Hubble năm 2006. Những hình ảnh nhỏ được đính vào phía trên cũng được chụp bởi camera này.

L.C

Theo Space Daily