Cũng giống như việc chúng ta có thể phát hiện các hành tinh khác, những sinh vật sống trên các hành tinh khác cũng có thể phát hiện ra chúng ta bằng những công nghệ gần giống như của chúng ta. Dù vậy, đừng quá lo lắng!
Chúng ta nên nhớ rằng công nghệ hiện nay mà chúng ta sử dụng để phát hiện các hành tinh về cơ bản là các thiết bị thu ánh sáng và phân tích quang phổ có khả năng xác định chuyển động của các ngôi sao.
Một nghiên cứu mới được chấp nhận để công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society (Những báo cáo hàng tháng của Hội thiên văn Hoàng gia) đã xem xét các ngoại hành tinh lân cận chúng ta và thấy rằng có hàng chục hành tinh mà từ đó có thể phát hiện ra Trái Đất theo cùng cách mà chúng ta phát hiện ra chúng (trên thực tế đó là kỹ thuật phải sử dụng cho dù công nghệ có phát triển hơn, vì ánh sáng và các bước sóng điện từ khác là thứ duy nhất có thể mang thông tin từ Trái Đất tới các hệ hành tinh khác).
Nhóm nghiên cứu tính ra khả năng để phát hiện ra một trong những hành tinh trong cùng của một hệ hành tinh ở phạm vi đó với kĩ thuật mà kính thiên văn không gian Kepler đang sử dụng là khoảng 1 phần 40.
Nghiên cứu chỉ ra rằng cư dân của ít nhất là 68 hệ hành tinh đã biết có thể phát hiện ra ít nhất một hành tinh của Hệ Mặt Trời chúng ta (nếu thực sự có cư dân ở những nơi đó). Tuy nhiên, chỉ có một số hành tinh trong số đó có khẳnng phát hiện ra hơn 1 hành tinh trong Hệ Mặt Trời, và chỉ duy nhất một nơi có thể phát hiện ra Trái Đất trong dữ liệu của họ. HATS-11b là một "Sao Mộc nóng" cách Trái Đất khoảng 3.000 năm ánh sáng. Người quan sát tại đó có thể phát hiện ra Trái Đất và Sao Mộc khi chúng lướt qua phía trước Mặt Trời. Hiện tại chúng ta không biết bất cứ hành tinh nào khác trong hệ đó (chẳng hạn những hành tinh giống Trái Đất và có thể sống được), do đó khả năng chúng ta đang bị theo dõi là rất nhỏ.
Ngoài ra, có năm hệ hành tinh khác cũng có thể phát hiện ra Trái Đất khi theo dõi vào vùng trong của Hệ Mặt Trời. Hai trong số đó chỉ chứa các hành tinh khí khổng lồ, một hệ khác chỉ có một tiền hành tinh và một chỉ có một hành tinh lùn. Chỉ có một trong số năm hệ đó là hệ WASP-47 có chứa một 'siêu Trái Đất siêu nóng', một hành tinh dạng Sao Mộc nóng, một 'Sao Hải Vương ấm' và một hành tinh khí khổng lồ. Hệ này cách chúng ta 650 năm ánh sáng. Không có bất cứ hành tinh nào trong hệ đó được cho là có sự sống, mặc dù có thể còn những hành tinh khác chưa được phát hiện. Dù sao, trong cả năm hệ vừa được nhắc tới đều không có bất cứ hành tinh nào nằm trong vùng sống được của sao mẹ.
Nghiên cứu này đưa ra một cái nhìn thú vị về việc liệu có người hành tinh khác đang theo dõi chúng ta hay không. Theo những tính toán chính xác của nhóm nghiên cứu, người hành tinh khác chỉ có thể phát hiện tối đa là 3 hành tinh trong số 8 hành tinh của Hệ Mặt Trời (chưa tính tới Hành tinh số Chín, cũng như không tính Pluto và các hành tinh lùn khác).
Vậy nên, không cần quá lo lắng về việc bị người hành tinh khác theo dõi. Nếu họ thực sự tồn tại đâu đó, họ có lẽ thậm chí chẳng biết tới sự tồn tại của Trái Đất.
Tuấn Phong
Theo Astronomy