Ngày 21 tháng 8 này, nhật thực toàn phần sẽ diễn ra. Ở Việt Nam, chúng ta sẽ không thể quan sát hiện tượng này, nhưng nó lại hết sức đặc biệt và rất được người yêu thiên văn ở Mỹ trông đợi. Vì sao nó thu hút được sự quan tâm đặc biệt như vậy?

Trong nhật thực, Mặt Trăng đi vào giữa Trái Đất và Mặt Trời và trực tiếp che khuất Mặt Trời (khác với nguyệt thực, Mặt Trăng đi vào vùng tối chứ không phải bị vật thể khác che khuất). Vùng màu đen mà bạn nhìn thấy trong nhật thực chính là phần bề mặt tối do không được chiếu sáng của Mặt Trăng.

 

Trên thực tế, nhật thực toàn phần không phải quá hiếm. Thông thường, khoảng 3 năm lại có một lần nhật thực toàn phần. Mặc dù vậy, nhật thực có phạm vi quan sát khá nhỏ nên mỗi lần nhật thực toàn phần như vậy chỉ có một số khu vực nhất định trên thế giới quan sát được. Và vì thế, đối với người quan sát ở vị trí cố định thì việc quan sát được nhật thực toàn phần ... không hề thường xuyên, nếu không muốn nói là rất hiếm.

Nếu để ý các phương tiện truyền thông phương Tây, nhất là của Mỹ (USA) thì bạn có thể thấy rằng suốt hơn một tháng qua, nhật thực toàn phần được nhắc tới rất nhiều, mặc dù 21 tháng 8 này nó mới xảy ra. Người Mỹ thậm chí còn gọi hiện tượng sắp xảy ra này là "Nhật thực vĩ đại của Mỹ" (Great American Eclipse).

Theo giờ Việt Nam, hiện tượng sẽ diễn ra vào tối 21 - rạng sáng 22 tháng 8. Tất nhiên, điều đó có nghĩa là bạn không thể quan sát nó vì khi đó Mặt Trời không có mặt trên vùng trời bạn quan sát được. Ngược lại, theo giờ của Mỹ, nhật thực diễn ra vào thời gian hết sức thuận lợi.

 

Người Mỹ rất nóng lòng đợi hiện tượng này vì những lý do sau:

  1. Đây là nhật thực toàn phần đầu tiên mà người quan sát trên vùng lục địa chính của Mỹ có thể thấy được kể từ ngày 26 tháng 2 năm 1979 (tức là hơn 38 năm trước).
  2. Đây là nhật thực có dải quan sát được kéo dài suốt chiều ngang của nước Mỹ, từ bờ biển phía Tây đến bờ biển phía Đông (dải trung tâm và đậm nét nhất trong hình - nguồn hình ảnh: Timeanddate.com).
  3. Đây là nhật thực mà chỉ những ai đang ở Mỹ có thể nhìn thấy pha toàn phần, không một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào khác có thể quan sát được.
  4. Lần cuối cùng nhật thực toàn phần được chứng kiến suốt một dải dài từ Tây sang Đông của Mỹ như vậy là cách đây gần 100 năm (từ năm 1918) - do đó với người Mỹ, nó chính xác là nhật thực thế kỷ.

 

Với người Mỹ cũng như những người ngoại quốc sống ở Mỹ, đây hẳn sẽ là một hiện tượng thú vị. Nếu đang ở quốc gia này và dự định quan sát nhật thực toàn phần, bạn đừng quên đọc bài hướng dẫn của VACA: Cách an toàn để quan sát nhật thực.

 

Không có điềm báo hay hiểm hoạ nào cả!

Đáng tiếc, Việt Nam chúng ta sẽ không quan sát được hiện tượng này. Mặc dù vậy, những ngày gần đây đã có một số website tin tức hoặc fanpage khai thác thông tin này để làm hoang mang độc giả và gián tiếp phổ biến kiến thức không chính xác. Nhật thực là hiện tượng tuy không diễn ra quá thường xuyên, nhưng nó cũng không hề quá hiếm. Nó đã được quan sát từ hàng nghìn năm trước và những năm gần đây cũng vẫn tiếp tục được quan sát. Chưa từng có bất cứ thảm hoạ nào xảy ra sau nhật thực hoặc có thống kê nào về bất hạnh của những người chứng kiến nó.

Về mặt vật lý, hiện tượng này chỉ là sự che khuất biểu kiến, không hề gây ra bất cứ tác động vật lý nào khác thường tới người quan sát nói riêng cũng như nhân loại nói chung.

 

Khi nào Việt Nam mới thấy được nhật thực?

Câu hỏi về việc quan sát ở Việt Nam có lẽ đang được nhiều độc giả đặt ra. Câu trả lời là: lần cuối cùng có một khu vực ở Việt Nam quan sát được nhật thực toàn phần là ngày 24 tháng 10 năm 1995, khi đó một số khu vực ở miền Nam đã quan sát được pha toàn phần trong khi phần còn lại của lãnh thổ chỉ quan sát được pha một phần. Nhật thực một phần được quan sát nhiều hơn, lần cuối cùng người quan sát ở Việt Nam được chứng kiến nhật thực một phần là ngày 9 tháng 3 năm ngoái (2016).

Lần nhật thực toàn phần tiếp theo mà bạn có thể quan sát ở Việt Nam sẽ còn khá lâu, nếu không muốn nói là rất lâu nữa, đó là ngày 11 tháng 4 năm 2070. Nếu bạn quá nóng ruột và không chắc mình ... có thể đợi tới khi đó, bạn có thể đợi nhật thực một phần gần nhất sẽ quan sát được ở Việt Nam vào ngày 26 tháng 12 năm 2019.

 

Nhật thực toàn phần là hiện tượng thiên văn thú vị, ngoài việc đĩa sáng Mặt Trời bị che khuất, bạn còn có thể chứng kiến hiệu ứng nhẫn kim cương khi Mặt Trăng che gần khít đĩa sáng Mặt Trời (còn gọi là hiện tượng chuỗi hạt Baily - như hình ở đầu bài). Đồng thời, đây cũng là hiện tượng cho phép các nhà thiên văn quan sát được rõ nét hơn hoạt động của vùng ngoài khí quyển Mặt Trời và theo dõi sự bẻ cong của các tia sáng khi đi qua gần rìa Mặt Trời theo dự đoán của thuyết tương đối rộng Einstein.

Đặng Vũ Tuấn Sơn

- Chủ tịch VACA -