Trên hành tinh của chúng ta, trung bình cứ khoảng 18 tháng lại có một lần nhật thực toàn phần - dù mỗi lần đều chỉ có một khu vực nhất định quan sát được. Còn ở những hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời thì sao? Liệu có nhật thực toàn phần xảy ra ở đó.
Sao Thuỷ
Nhật thực là hiện tượng xảy ra khi một vệ tinh của hành tinh đi qua giữa hành tinh và Mặt Trời, che khuất Mặt Trời đối với người quan sát trên bề mặt hành tinh đó. Sao Thuỷ không có bất cứ vệ tinh nào nên không bao giờ xảy ra nhật thực.
Sao Kim
Sao Kim cũng không có vệ tinh nên không bao giờ có nhật thực xảy ra. Trên thực tế, vì Sao Thuỷ nằm giữa Sao Kim và Mặt Trời nên giống như ở Trái Đất, ở Sao Kim có thể xảy ra hiện tượng quá cảnh của Sao Thuỷ. Tuy nhiên kích thước biểu kiến của Sao Thuỷ nhỏ hơn Mặt Trời rất nhiều nên nó cũng chỉ như một mảng tối nhỏ lướt qua Mặt Trời.
Sao Hoả
Sao Hoả có hai vệ tinh là Phobos và Deimos, vì vậy về lý thuyết thì người quan sát trên hành tinh này có thể nhìn thấy nhật thưc. Mặc dù vậy, vì hai vệ tinh này quá nhỏ và nằm không đủ gần hành tinh mẹ nên chúng chỉ có thể che được một phần của Mặt Trời. Do đó nhật thực trên hành tinh này luôn là nhật thực một phần, không có nhật thực toàn phần.
Sao Mộc
Hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời này có 79 vệ tinh đã được biết tới. Mặc dù vậy, hầu hết các vệ tinh là rất nhỏ và khi đi qua giữa Mặt Trời và Sao Mộc chúng chỉ có thể che được một khoảng rất nhỏ của Mặt Trời. Chỉ có bốn vệ tinh Galileo - 4 vệ tinh lớn nhất - là có thể gây ra nhật thực toàn phần. Bốn vệ tinh này gồm: Io, Ganymede, Europa và Callisto. Do chu kỳ quỹ đạo khác nhau của 4 vệ tinh này, có trường hợp 3 trong số chúng cùng đi qua khoảng giữa Sao Mộc và Mặt Trời, gây ra một lần ba nhật thực trùng nhau (ở ba địa điểm khác nhau trên Sao Mộc). Điều này xảy ra khoảng 1 đến 2 lần mỗi thập kỷ.
Ba nhật thực xảy ra đồng thời ở Sao Mộc gây ra bởi ba vệ tinh Galileo là Io, Callisto và Ganymede. Io có thể được quan sát thấy là vòng tròn nhỏ màu trắng ở gần trung tâm, trong khi Ganymede là vòng tròn xanh lơn hơn ở cao hơn bên phải, bỏng củ chúng in xuống bề mặt của Sao Mộc. Mặc dù Callisto không được nhìn thấy trực tiếp trong bức ảnh này nhưng chúng ta vẫn thấy bóng của nó ở phía trái của bức hình. Ảnh chụp bởi kính thiên văn không gian Hubble của NASA.
Sao Thổ
Sao Thổ có 62 vệ tinh đã được biết tới và một số trong đó có thể gây ra nhật thực khi nó đi vào giữa hành tinh này và Mặt Trời. Bản thân vành đai của Sao Thổ cũng gây ra nhật thực bởi nó đủ độ dày để ngăn cản ánh sáng chiếu tới từ Mặt Trời. Cứ khoảng 15 năm ở Sao Thổ lại có một lần nhật thực toàn phần.
Sao Thiên Vương
Cho tới nay chúng ta đã biết 27 vệ tinh của Sao Thiên Vương, nhưng hơn một nửa trong số đó quá nhỏ hoặc cách hành tinh quá xa để có thể gây ra nhật thực toàn phần. Ngoài ra, hành tinh này có trục quay gần như nằm ngang trong khi các vệ tinh của nó thì chuyển động theo quỹ đạo gần trùng với mặt phẳng xích đạo của nó. Điều đó khiến cho nhật thực đối với hành tinh này rất hiểm, khoảng 42 năm mới có một lần.
Sao Hải Vương
Trong số các vệ tinh của Sao Hải Vương, vệ tinh lớn nhất của nó là Triton có thể gây ra nhật thực toàn phần. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng Sao Hải Vương ở quá xa Mặt Trời, đến mức ở đó bạn sẽ thấy Mặt Trời chẳng khác gì những ngôi sao khác, chỉ là một ngôi sao sáng hơn bình thường. Lượng ánh sáng mà nó nhận được từ Mặt Trời chỉ bằng 1/900 lượng ánh sáng mà Trái Đất nhận được. Vì thế nhật thực đối ở hành tinh này mỗi lần chỉ kéo dài vài giây.
Pluto
Thiên thể này tất nhiên không còn được tính là hành tinh, mà chỉ là một hành tinh lùn. Nhưng hiển nhiên nó vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới khoa học cũng như những người yêu thích thiên văn nói chung. Đối với chủ đề đang được nêu ở đây, chính xác là ở Pluto có xảy ra nhật thực toàn phần. Cứ 120 năm, Pluto và vệ tinh Charon của nó lại che khuất lẫn nhau. Nhưng cũng như với trường hợp của Sao Hải Vương, từ Pluto quan sát thì Mặt Trời cũng chỉ một ngôi sao bình thường, do đó việc nhật thực có xảy ra ở đây hay không không có nhiều ý nghĩa.
Cần lưu ý rằng mặc dù các hành tinh cũng như hành tinh lùn đều có thể còn những vệ tinh chưa được khám phá, nhưng những vệ tinh đến nay còn chưa quan sát được chắc chắn đều rất nhỏ nên không thể gây ra nhật thực với độ che khuất đáng kể. Và do đó những thống kê trên đây sẽ không bị đính chính khi chúng ta khám phá thêm những vệ tinh mới.
Chúng ta cũng cần nhớ rằng dù nhiều hành tinh có thể cũng quan sát được nhật thực toàn phần, nhưng dù bạn tới được những nơi đó và quan sát, cũng không có nhật thực nào đặc biệt như nhật thực toàn phần ở Trái Đất. Trái Đất là nơi duy nhất mà khi nhật thực toàn phần diễn ra, Mặt Trăng che khuất vừa khít Mặt Trời.
Bryan
Tham khảo: Astronomy.com
Đọc thêm: