Billy Quarles - một nhà vật lý thiên văn sau tiến sĩ ở Đại học Oklahoma - đã xác định những thành phần khả dĩ của bảy hành tinh trong hệ TRAPPIST-1. Sử dụng hàng nghìn giả lập để xác định tính ổn định của các hành tinh trong hàng triệu năm, Quarles kết luận rằng sáu trong số bảy hành tinh này có thành phần cấu tạo giống như Trái Đất. Hành tinh duy nhất không giống với số còn lại TRAPPIST-1f với khối lượng chiếm 25% là nước. Trong khi đó, TRAPPIST-1e có thể là ứng viên sáng giá nhất trong hệ này để nghiên cứu khả năng tồn tại sự sống.
"Mục đích của thiên văn học ngoại hành tinh là tìm những hành tinh tương tự Trái Đất ở cấu tạo và khả năng sống được," Quarles nói.
Các hành tinh của hệ TRAPPIST-1 có khoảng cách gần nhau hơn so với những hệ mà kính Kepler đã tìm ra. Điều đó có nghĩa là dao động gây ra do những lần che khuất được quan sát rõ ràng hơn. Những dao động đó giúp các nhà thiên văn đo được khối lượng và bán kính của các hành tinh và từ những phép đo đó có thể duy ra mật độ của chúng. Qua việc so sánh mật độ của Trái Đất (mà hầu hết là đá) với các hành tinh trong hệ TRAPPIST-1, Quarles có thể xác định thành phần khả dĩ của chúng và từ đó mang lại cái nhìn mới về việc liệu chúng có khả năng cho sự sống hay không.
TRAPPIST-1f là hành tinh có 25% là nước. Nó có khối lượng khoảng 70% khối lượng Trái Đất nhưng có cùng kích thước như Trái Đất. Vì bán kính lớn như vậy, áp suất khiến nước trở thành dạng hơi và làm hành tinh này quá nóng để sự sống như chúng ta biết có thể tồn tại. Việc tìm kiếm các hành tinh có thành phần giống Trái Đất nhất có thể là chìa khóa để tìm ra những nơi mà chúng ta có thể xác nhận rằng có khả năng sống được. Quarles cho biết ông đang tiếp tục nghiên cứu các hành tinh và sẽ đi xa hơn nữa trong những nghiên cứu của mình.
TRAPPIST-1 là một sao lùn cực lạnh ở khá gần chúng ta. Nó cách Trái Đất khoảng 40 năm ánh sáng và có một hệ hành tinh đáng chú ý gồm 7 hành tinh được ký hiệu lần lượt là TRAPPIST-1b, c, d, e, f, g và h.
Tuấn Phong
Theo Science Daily