Enceladus – một vệ tinh băng lớn của Sao Thổ có thể đã bị lật ngược trong quá khứ. Nó có thể là nạn nhân của một chấn động cực lớn.

Theo một nghiên cứu mới công bố trên Icarus, khi kết hợp các dữ liệu thu thập bởi nhiệm vụ Cassini của NASA trong khi Cassini bay qua Enceladus, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra bằng chứng đầu tiên cho thấy trục của vệ tinh đã thay đổi. Khi kiểm tra đặc điểm địa chất của Enceladus, nhóm nghiên cứu đã cho thấy cách mà Enceladus dường như đã nghiêng khỏi trục ban đầu của nó khoảng 55 độ.

"Chúng tôi tìm thấy một chuỗi các vùng, hoặc lưu vực thấp, vạch ra một vành đai trên bề mặt vệ tinh. Chúng tôi tin đó là tàn dư hóa thạch của vùng xích đạo và các cực trước đây. Những hình ảnh này phản ánh sự thay đổi không gian của lớp vỏ băng và nó phù hợp với nhiều đặc điểm địa chất có thể nhìn thấy trên hình ảnh thu được của Cassini", tác giả chính Radwan Tajeddine – nhà nghiên cứu tại khoa Thiên văn học thuộc Đại học Cornell đồng thời tham gia nhóm ghi hình của Cassini cho biết.

Ở vùng tận cùng phía Nam hiện nay của vệ tinh, những dòng hơi nước (cũng như các hợp chất hữu cơ, khí, muối và silica) được phóng ra thông qua các miệng phun từ một đại dương sâu bên dưới bề mặt lớp vỏ băng giá của vệ tinh. Đó là một nơi mà về mặt kỹ thuật thì được biết đến là cực nam của thiên thể này và các nhà thiên văn học đã đặt tên cho những vết nứt dài có hoạt động địa chất này là những "Sọc Hổ". Mỗi sọc hổ dài khoảng 130 km và rộng gần 2km.

Tajeddine tin rằng một tiểu hành tinh có thể đã tấn công khu vực cực nam hiện tại của vệ tinh khi vùng này ở gần đường xích đạo vào thời điểm trước đây. "Các hoạt động địa chất ở khu vực này khó có khả năng đã được khởi đầu bằng các quá trình từ bên trong", ông nói. "Chúng tôi nghĩ rằng, để có thể hướng một sự thay đổi lớn như vậy cho vệ tinh thì có khả năng rằng một va chạm lớn chính là nguyên nhân của việc hình thành vùng địa hình bất thường này."

Chao đảo, lung lay và không ổn định sau cú đập của tiểu hành tinh, tính chất quay của Enceladus đã dần dần tái lập sự ổn định. Quá trình này có thể mất hơn một triệu năm. Để làm điều đó, trục Bắc-Nam cần phải thay đổi – đây là cơ chế được gọi là "sự mất hướng thực sự của trục”.

Những đặc điểm địa chất và địa hình của Enceladus có thể được giải thích thông qua các quá trình địa vật lý, nhưng cực Bắc và Nam của vệ tinh lại khá khác nhau. Vùng phía Nam đang hoạt động và có địa chất trẻ, trong khi phía Bắc được bao phủ bởi các miệng núi lửa và có vẻ già hơn rất nhiều.

"Sự khác biệt mà Cassini đã quan sát được giữa hai cực Bắc và Nam vẫn thật đặc biệt," Tajeddine nói. "Ban đầu, các cực của Enceladus có thể giống nhau nhiều hơn hoặc ít hơn trước khi hiện tượng lệch trục xảy ra. Giả thuyết về sự lệch trục có vẻ rất hợp lý khi chúng ta xem xét kết hợp với các khu vực cao và thấp trên bề mặt của vệ tinh, biểu hiện vật lý của các đặc điểm bề mặt và sự khác biệt giữa các cực hiện tại."

Mỹ Linh

Theo Science Daily