Các nhà thiên văn học đã sử dụng kính thiên văn không gian Hubble để quan sát tàn dư của một vụ nổ supernova tại thiên hà LMC (Mây Magellan lớn). Không chỉ là một bức ảnh đẹp, Hubble còn có thể đã tìm thấy dấu vết của sao đồng hành sống sót sau vụ nổ.

Một nhóm các nhà thiên văn học đã sử dụng kính Hubble để nghiên cứu tàn dư của supernova loại Ia có tên SNR 0509-68.7 hay còn được gọi là N103B. Tàn dư này năm trong LMC, cách chúng ta chỉ hơn 160.000 năm ánh sáng. Trái ngược với những vụ bùng nổ khác, tàn dư của N103B dường như không có dạng hình cầu mà là hình elip dẹt. Các nhà thiên văn học giả định rằng có một phần vật chất bị đẩy ra bởi vụ nổ đã va chạm với một đám mây vật chất liên sao đặc hơn, và vì thế khiến nó chậm lại. Lớp vỏ của phần vật chất mở rộng về một phía là điều minh chứng cho ý tưởng này.

Khoảng cách của N103B cho phép các nhà thiên văn học nghiên cứu được cuộc đời của các ngôi sao tại thiên hà khác một cách chi tiết, và thậm chí có thể gỡ bỏ tấm màn phủ trên những câu hỏi xung quanh loại supernova này. Từ độ sáng có thể dự đoán được của các vụ bùng nổ supernova loại Ia, các nhà thiên văn học sử dụng chúng như những mốc tiêu chuẩn trong vũ trụ để tính ra khoảng cách của chúng, coi chúng như những công cụ để nghiên cứu vũ trụ. Tuy nhiên bản chất của chúng vẫn là vấn đề tranh luận. Các nhà thiên văn nghi ngờ rằng supernovae loại Ia xảy ra trong các hệ sao kép, với ít nhất một ngôi sao trong cặp là sao lùn trắng.

Hiện nay có 2 lý thuyết chính mô tả cách các hệ này xuất hiện vụ bùng nổ supernova. Những nghiên cứu như việc chụp bức ảnh mới này của N103B có liên quan đến tàn dư các vụ nổ trong quá khứ có thể giúp các nhà thiên văn xác nhận được một trong hai lý thuyết.

Lý thuyết thứ nhất giả định rằng cả hai sao trong cặp sao là sao lùn trắng. Nếu hai sao sáp nhập, nó sẽ dẫn đến một vụ nổ supernova loại Ia.

Lý thuyết thứ hai đề xuất rằng chỉ có một sao trong cặp là sao lùn trắng, trong khi đó đồng hành của nó là một sao bình thường. Trong lý thuyết này vật chất từ sao đồng hành tuôn sang và bồi tụ vào sao lùn trắng cho đến khi khối lượng của nó đạt đến giới hạn và dẫn đến vụ nổ. Trong kịch bản này, theo lý thuyết thì sao đồng hành có thể sống sót sau vụ nổ ít nhất là theo hình thức nào đó. Tuy nhiên cho đến nay không có bất kì sao đồng hành nào còn sót lại sau những vụ bùng nổ supernova loại Ia đã được tìm thấy.



Các nhà thiên văn học đã quan sát tàn dư của supernova N103B để tìm kiếm sao đồng hành như vậy. Họ đã nhìn vào trong vùng H-alpha, làm nổi bật các vùng khí bị ion hóa bởi bức xạ từ các ngôi sao gần đó để xác định các mặt tác động từ vụ nổ supernova. Họ hy vọng tìm thấy một ngôi sao gần trung tâm của vụ nổ qua sự uốn cong đột ngột ở một vị trí nào đó. Việc khám phá ra một ngôi đồng hành sống sót sẽ chấm dứt cuộc thảo luận đang diễn ra về nguồn gốc những vụ nổ supernova loại Ia.    

Chính xác là họ đã tìm thấy một sao có thể coi là ứng viên đáp ứng các tiêu chí về loại sao, nhiệt độ, độ chói và khoảng cách tới trung tâm của vụ nổ supernova. Ngôi sao này có cùng khối lượng như Mặt Trời, nhưng nó được bao quanh bởi một lớp vật chất nóng có thể đã bị đẩy ra trước vụ nổ supernova.    

Mặc dù ngôi sao này là một ứng viên hợp lý cho đồng hành sống sót của N103B, nó chưa thể được xác định khi chưa có những nghiên cứu thêm và xác nhận bằng quang phổ. Việc tìm kiếm vẫn đang tiếp diễn.

Vũ Đắc Cường
Theo Science Daily