Một supernova loại Ia vừa được phát hiện trong NGC 5643. Đây là supernova loại Ia thứ hai được phát hiện trong cùng một thiên hà chỉ trong vài năm. Nó sẽ đống một vai trò quan trọng trong việc làm chính xác thêm hiểu biết của chúng ta về các khoảng cách cũng như sự giãn nở của vũ trụ.

 

 

 

Khi nghe nhắc tới supernova, hầu hết mọi người hình dung ra một ngôi sao lớn kết thúc cuộc đời của nó trong một vụ nổ dữ dội và ném tàn dư của mình vào không gian. Đó là supernova loại II. Tuy nhiên bên cạnh đó có một loại supernova rất đáng chú ý nữa là các supernova loại Ia. Hiện tượng này xảy ra khi một sao lùn trắng (phần còn lại cuối đời của một sao cỡ Mặt Trời) trở nên quá nặng sau khi hút vật chất từ các lớp ngoài của sao đồng hành (trong các hệ sao kép, Mặt Trời thì không có sao đồng hành). Khi đạt tới khối lượng quá lớn, phản ứng nhiệt hạch cực mạnh xảy ra trong lõi sao và làm cho ngôi sao phát nổ, trở thành supernova loại Ia. Một supernova loại này đã được phát hiện trong một thiên hà cách chúng ta khoảng 55 triệu năm ánh sáng.

Đọc chi tiết về Nova và Supernova tại đây.

Supernova mới phát hiện được công bố bởi Rachael Beaton tại hệ thống đài quan sát thuộc Viện khoa học Carnegie ở Pasadena, California (Mỹ). Nó có kí hiệu là 2017cbv, tuy nhiên Beaton đã tự đặt biệt danh cho nó là Bob. Vụ nổ được xác định trong NGC 5643, một thiên hà xoắn trong chòm sao Lupus. NGC 5643 cũng là nơi có supernova SN 2013aa đã được quan sát vào đầu năm 2013. Như vậy đây là supernova loại Ia thứ hai được phát hiện trong cùng một thiên hà chỉ trong 4 năm.

Supernova loại Ia đóng một vai trò quan trọng như những nấc thang khoảng cách của vũ trụ, chúng cho phép các nhà thiên văn học đo được khoảng cách của các thiên hà rất xa. Chúng cũng đáng vai trò đặc biệt trong việc đo sự giãn nở gia tốc của vũ trụ. Do cùng xảy ra ở những sao lùn trắng có cùng khối lượng chính xác như nhau ở mọi nơi (1,4 lần khối lượng Mặt Trời - giới hạn Chandrasekhar), các supernova loại Ia luôn có cùng độ sáng, có nghĩa là các nhà thiên văn có thể sử dụng chúng như những ngọn nến chuẩn. Biết được độ sáng của vụ nổ qua độ chói tuyệt đối cho phép các nhà thiên văn tính được khoảng cách dựa trên độ sáng quan sát được từ chúng.

Nhưng có lẽ từ "chính xác" có thể gây ra chút hiểu nhầm. Không phải mọi hệ sao trong đó có xảy ra supernova loại Ia đều chính xác y hệt nhau. Hơn thế nữa, các sự kiện trong thế giới thực không phải luôn phản ánh chính xác như các phép tính lý thuyết. Vì vậy, một số sao lùn trắng có thể nổ khi khối lượng còn nhỏ hơn 1,4 lần Mặt Trời một chút trong khi một số khác có thể đợi tới khi nặng hơn giới hạn đó một chút trước khi phát nổ. Do đó việc 2017cbv là supernova loại Ia thứ hai tìm thấy trong cùng một thiên hà ở khoảng thời gian cách nhau rất ngắn như vậy có một giá trị rất đặc biệt. Bằng cách so sánh khoảng cách của thiên hà qua phép đo đối với hai supernova độc lập, các nhà thiên văn học có thể xác định được cụ thể hơn sự dao động độ sáng của các supernova loại Ia và qua đó nâng độ chính xác của các phép đo khoảng cách trong vũ trụ.

Bryan
Theo Astronomy