Các nhà khoa học đã tìm ra rằng bức xạ tử ngoại có tầm quan trọng đối với việc tạo thành các phân tử cần thiết cho sự sống lớn hơn so với những gì từng biết trước đây.

 

Lý thuyết cho rằng các hydrocarbon được tạo thành trong những sự kiện dữ dội ở các sao. Trong những sự kiện này, các tác động cực mạnh làm cho các nguyên tử trở thành ion - một dạng dễ kết hợp hơn và từ đó hình thành các hydrocarbon.

Dữ liệu từ kính thiên văn không gian Herschel của NASA đã chứng minh rằng lý thuyết này là sai. Các nhà khoa học đã nghiên cứu các thành phần của tinh vân Orion, khảo sát số lượng, nhiệt độ và chuyển động của các phân tử CH, ion CH+ và C+.

Họ thấy rằng trong tinh vân Orion, CH+ phát ra bức xạ điện từ thay vì hấp thụ nó, điều đó có nghĩa là nó ấm hơn so với khí ở đó. Điều này là rất đáng ngạc nhiên đối với các nhà khoa học bởi CH+ cần năng lượng rất cao để hình thành và khi nó tương tác với hydro trong tinh vân, nó sẽ bị tiêu huỷ.

Dữ liệu cho thấy các phân tử CH+ có thể đã được tạo thành bởi bức xạ tử ngoại từ các sao trẻ trong tinh vân Orion. Khi phân tử hydro hấp thụ một photon ánh sáng nó xuất hiện sự rung động hoặc quay, nhưng khi nó va chạm với photon của tia tử ngoại thì cả hai thứ đó cùng xảy ra.

Ảnh chụp ở bước sóng hồng ngoại của đài quan sát không gian Herschel cho thấy đám bụi trong khu vực thanh kiếm của Orion


Tinh vân Orion chứa rất nhiều khí hydro, vậy nên khi bức xạ tử ngoại làm nóng các phân tử hydro xung quanh, nó tạo ra điều kiện hoàn hảo để các hydrocarbon hình thành. Khi hydro giữa các sao được làm ấm lên hơn, các ion carbon bắt đầu phản ứng với phân tử hydro, tạo thành CH+ mà cuối cùng có thể bắt lấy thêm một electron để trở thành phân tử CH trung hoà.

"Chính xác thì các phân tử này tồn tại bằng cách nào ở trung tâm của các thiên hà vẫn còn là một bí ẩn," John Pearson - nhà nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm phản lực của NASA, đồng tác giả của nghiên cứu nói. "Nghiên cứu của chúng tôi là một manh mối cho thấy bức xạ tử ngoại từ các sao nặng cũng có thể dẫn đến sự tồn tại của các phân tử như vậy."

L.C
Theo Astronomy