Một nhóm các nhà khoa học có thể đã lần đầu tiên xác nhận một "supernova hỏng", và rất có thể đây là lần đầu tiên quan sát được một lỗ đen đang hình thành.

 

Scott Adams, nhà thiên văn học tại Caltech (Viện công nghệ California) cùng các đồng nghiệp Christopher Kochanek, Jill Gerke và Krzystof Stanek ở Đại học bang Ohio, cùng với Xinyu Dai ở Đại học Oklahoma đã phát minh ra một kĩ thuật quan sát mới, sử dụng Kính thiên văn hai ống lớn (LBT) để xác định các ứng viên supernova hỏng. Đó là các sao nặng mà cái chết của chúng không hề có vụ bùng nổ supernova điển hình. Sử dụng dữ liệu khảo sát trong 4 năm đầu tiên của LBT, nhóm nghiên cứu đã xác định được mục tiêu là một sao trong thiên hà NGC 6946.

Ngôi sao được kí hiệu là N6946-BH1 này thu hút sự chú ý của các nhà thiên văn bởi vào năm 2009 nó đã bùng sáng lên độ sáng gấp hơn 1 triệu lần độ sáng của Mặt Trời, và rồi sau đó nó mờ dần và biến mất. Dấu vết nó để lại là bức xạ ở dải cận hồng ngoại, phù hợp với năng lượng phát ra khi vật chất bị cuốn vào một lỗ đen.

"Nếu sự kiện này thực sự là một supernova hỏng, nó có nghĩa là chúng tôi đã lần đầu tiên quan sát sự ra đời của một lỗ đen, một điều thực sự rất thú vị. Tuy nhiên phát hiện này còn có một ý nghĩa lớn hơn thế." Adams nói.

Từ năm 2003, nhiều nhà thiên văn học đã chấp nhận ý tưởng rằng một số sao quá nặng để có thể trở thành supernova. Bởi vì chúng không thể thắng nổi lực hấp dẫn của mình để có thể phát nổ, những sao này đơn giản là tắt đi và co lại thành lỗ đen. Nhưng chưa có bất cứ bằng chứng nào về việc này, cho tới bây giờ.

Adams và nhóm của ông lập luận rằng nếu các supernova hỏng xảy ra ở một số sao siêu khổng lồ đỏ - những sao có thể tích lớn nhất vũ trụ, quá trình này sẽ tạo ra một vụ bùng nổ năng lượng hấp dẫn có thể quan sát được - giống như ánh sáng mạnh mà kính thiên văn không gian Hubble đã ghi nhận được ở N6946-BH1 từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2009.

"Điều này cho thấy rằng các supernova hỏng là giải pháp cho bí ẩn về việc tại sao các sao siêu khổng lồ đỏ có khối lượng lớn không được coi là giai đoạn trước của các supernova, và tại sao có một khoảng trống giữa khối lượng của sao neutron và lỗ đen." - Adams nói.

Có nhiều phương án khác dù ít khả dĩ hơn giải thích cho hiện tượng quan sát được ở N6946-BH1. Phân tích dữ liệu mới cũng như những quan sát được lưu trữ của hai kính thiên văn không gian Hubble và Spitzer cho phép nhóm nghiên cứu loại trừ để tìm ra rằng sao này có thể ẩn sau một lớp bụi bị phóng ra phía ngoài. Họ đang tiếp tục đợi thêm dữ liệu từ Đài quan sát không gian Chandra X-ray. Bức xạ tia X sẽ xác nhân sự tồn tại của lỗ đen. Tuy nhiên, nếu tia X không được xác nhận, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi và sử dụng kính thiên văn mạnh hơn để chắc chắn rằng ngôi sao đã biến mất.

L.C
Theo Astronomy