Interstellar là một bộ phim năm 2014 được khá nhiều người chú ý của đạo diễn Christopher Nolan. Mặc dù được một tỷ lệ rất lớn người xem ca ngợi không tiếc lời và ngay bản thân các chuyên gia phản biện về điện ảnh của thế giới đánh giá cao, nhưng điều đó không có nghĩa nó không có những khiếm khuyết đáng kể về khoa học.

Tôi nhận được nhiều câu hỏi của người yêu thiên văn về những logic khoa học diễn ra trong bộ phim này, đặc biệt là những tình huống liên quan đến sự uốn cong của không-thời gian do sự có mặt của lỗ đen. Trong bài viết ngắn này tôi sẽ chỉ ra một vài điểm có thể nói là phản khoa học trong bộ phim này.

Trước khi bắt đầu, xin nói rõ rằng đây không phải một bài phản biện điện ảnh, và cá nhân tôi cũng thấy bộ phim khá hấp dẫn về mặt nội dung, còn sự xuất sắc của diễn xuất, âm thanh và hình ảnh thì không thể chê trách được. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng nó là một tác phẩm xuất sắc khi nó phục vụ giải trí, chứ nó không phải một bộ phim khoa học.

Dưới đây là những điểm không chính xác về mặt khoa học trong phim Interstellar.

1. Gia tốc và quán tính

Trạm vũ trụ mà các nhà du hành trong phim sử dụng để di chuyển trong không gian được thiết kế tự quay quanh một trục để tạo ra gia tốc li tâm khiến nó gây ra hiệu ứng tương tự trọng lực của Trái Đất để các nhà du hành giữ được thăng bằng. Đây là một sáng tạo hay mà nhiều phim viễn tưởng trước đây chưa có.

Thế nhưng tạm chấp nhận rằng công nghệ chế tạo của NASA trong phim này đã đạt mức tạo ra những con tàu có đủ nguồn năng lượng và kết cấu cho phép duy trì và chịu được chuyển động đó thì vận tốc góc lờ đờ như chúng ta thấy trong phim không thể tạo ra được gia tốc tương đương hay chỉ bằng một phần đáng kể nào đó của trọng lực gần bề mặt Trái Đất.

Một điểm sơ suất nữa là khi bắt đầu tới với miệng lỗ sâu ở gần Sao Thổ, Cooper (nhân vật chính của chúng ta do Matthew McConaughey đóng) cho hãm chuyển động quay này lại để nhìn rõ hơn, nhưng bên trong tàu không có bất cứ điều gì khác thường xảy ra, trong khi thực tế lực quán tính của chuyển động quay này (quay nhanh và khối lượng cả trạm rất lớn) không cho phép hãm lại như thế, và bên trong khoang tàu cũng không bình yên như khi nhấn phanh ô tô như thế.

 

2. Sự co giãn của thời gian

Sự co giãn thời gian do sự có mặt của khối lượng (đồng thời với nó là trường hấp dẫn) được dự đoán từ thuyết tương đối rộng của Einstein. Thế nhưng bộ phim đặt ra một tình huống trên một hành tinh với trọng lực chỉ bằng 130% của Trái Đất mà một giờ có thể dài bằng 7 năm trên Trái Đất. Đây là một sai sót khá nghiêm trọng về mặt khoa học. Một hành tinh có trọng trường như vậy không thể gây ra hiệu ứng chênh lệch thời gian đáng kể, chứ chưa nói tới tỷ lệ hàng nghìn lần như vậy. Ngược lại, nếu giả sử đó là hiệu ứng do khối lượng của lỗ đen gần đó thì chắc chắn những người trên con tàu chịu hiệu ứng đó ngay từ khi đến gần nó, không liên quan gì đến việc họ có đặt chân lên một hành tinh ở đó hay không (đằng này sang hành tinh láng giềng của hành tinh đó thì lại không có hiệu ứng như thế).

3. Ánh sáng và nhiệt độ của hành tinh

Cái gì đã chiếu sáng và sưởi ấm các hành tinh trong bộ phim khi mà quĩ đạo của chúng không phải là quanh các ngôi sao. Hơn thế nữa, đạo diễn còn cho một hành tinh cuối cùng trong số ba hành tinh có quĩ đạo quanh lỗ đen này là có thể sinh sống được (nơi nhân vật mà Anne Hathaway đóng đang xây dựng căn cứ mới ở cuối phim).

Không có nguồn nhiệt và nguồn sáng từ một sao mẹ cụ thể thì không có ánh sáng, cũng không có đủ nhiệt độ để bất cứ sự sống nào tồn tại. Mặt khác, hành tinh có quỹ đạo quanh một lỗ đen mà có thể có tương lai? Rất tiếc, vấn đề không phải là công nghệ mà vấn đề là nguyên lý. Một hành tinh như vậy chỉ có một tương lai đang chờ: nó sẽ bị lỗ đen hút hết khí quyển và nghiền nát dần dần để trở thành "thức ăn" cho nó.

 

4. Rơi vào lỗ đen có dễ không?

Khi mà trạm không gian của các nhà du hành đã có một quĩ đạo ổn định như trong phim, thì câu trả lời cho câu hỏi trên là KHÔNG!

Nếu bạn nghĩ việc rơi thẳng vào một thiên thể nào đó có lực hấp dẫn lớn là đơn giản thì bạn đã nhầm. Nếu bạn nghĩ lỗ đen có lực hút quá lớn thì cái gì thích đi vào nó là vào được, bạn cũng nhầm nốt.

Khi trạm không gian tới và tham gia vào quĩ đạo chuyển động quanh lỗ đen cùng với các hành tinh, nó đã tham gia một chuyển động quỹ đạo với vận tốc ít nhất là vài trăm km/s (vì đây là quỹ đạo quanh một lỗ đen khổng lồ chứ không phải quanh Mặt Trời, trong khi Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời đã có vận tốc quỹ đạo khoảng 30km/s). Điều đó có nghĩa là để rời quỹ đạo đó và hướng thẳng vào lỗ đen, thì cần thoát khỏi chính quỹ đạo đó (việc này giống như bạn đang đi xe rất nhanh trên đường, việc đổi sang chiều vuông góc khó hơn nhiều so với xe đang đứng yên và chỉ việc lái thẳng tới hướng mình muốn). Mà với một con tàu mất 2 năm để tới được Sao Thổ thì chắc chắn không có khả năng này.

5. Truyền tín hiệu

Trạm mặt đất và người trên trạm không gian trong phim truyền tín hiệu cho nhau theo cách nào để gửi thông tin và cả hình ảnh cho nhau? Phải chăng tín hiệu của họ đủ ..."thông minh" để tự chui vào lỗ sâu và sau đó lại tiếp tục truyền đúng hướng cần truyền để tới được với người phía bên kia?


Chỉ để giải trí

Cuối cùng, xin lưu ý rằng tôi chỉ nhấn mạnh những gì quá rõ ràng về mặt logic. Bên cạnh đó, những gì diễn ra bên trong lỗ đen hoàn toàn là sáng tạo của đạo diễn và cách mà nhân vật tác động lên các sự kiện trong không-thời gian đã được dàn dựng, phải thú thật rằng tôi thấy giống với một bộ phim mang màu sắc huyền bí hoặc một kiểu viễn tưởng cổ điển hơn là phong cách của một phim làm trên cơ sở các nguyên lý của vũ trụ học.

Nếu bạn vẫn muốn hỏi tôi việc người cha trở về trẻ hơn con gái mình rất nhiều là có thể không thì câu trả lời là sự co giãn thời gian đó được dự đoán từ lâu, trước đây thường minh họa qua nghịch lý anh em sinh đôi. Nhưng thực tế thì điều này chưa được kiểm chứng một cách rõ nét, vậy nên dưới góc nhìn khoa học thì tôi xin miễn nêu ra bình luận.

Sau tất cả, xin được nhắc lại rằng nếu bạn cần một bộ phim viễn tưởng để giải trí thì đây là một phim thú vị và hấp dẫn về nội dung cũng như mang tính nhân văn cao rất đáng để xem, chỉ có điều ... nó không phải là chỗ để bạn học được cái gì đó về vũ trụ.

Tháng 7 năm 2016
Đặng Vũ Tuấn Sơn
- Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) -