Sau khi tàu Juno của NASA đã chạm đích thành công trong chuyến du hành tới Sao Mộc vào ngày 4 tháng 7 vừa qua, camera JunoCam của con tàu đã được giao nhiệm vụ quan sát và gửi dữ liệu xuống Trái Đất. Camera ghi hình ở dải sáng biểu kiến này bắt đầu vận hành đúng 6 ngày sau khi Juno phóng động cơ chính và đặt nó vào quỹ đạo quanh hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời. Tuy nhiên chúng ta có lẽ vẫn sẽ phải chờ vài tuần cho những hình ảnh rõ nét đầu tiên của hành tinh khí khổng lồ này.

 

 

 

"Hình ảnh từ JunoCam cho thấy nó đã xuất sắc vượt qua được mốc khởi đầu trong môi trường bức xạ cực cao mà không chịu bất kỳ hậu quả nào nghiêm trọng", theo Scott Bolton, trưởng điều tra từ Viện Nghiên cứu Tây Nam tại San Antonio. "Chúng tôi rất nóng lòng chờ đợi hình ảnh đầu tiên từ các cực của Sao Mộc."

Cái nhìn mới về Sao Mộc đã được ghi lại lúc 10:30 PDT sáng ngày 10 tháng 7 (1h30 chiều EDT, 5h30 UTC, tức 12h30 theo giờ Việt Nam), 2016, khi con tàu nằm cách Sao Mộc 2,7 triệu dặm (4,3 triệu ki-lô-mét) khi nó đi vòng trên quĩ đạo trong 53,5 ngày đầu tiên.

Hình ảnh màu ở trên giúp ta nhận thấy các đặc trưng trong bầu khí quyển của Sao Mộc, bao gồm cả Vết Đỏ Lớn nổi tiếng, và ba trong số bốn vệ tinh lớn nhất của hành tinh này - Io, Europa và Ganymede (theo thứ tự từ trái sang phải như trong hình).

"JunoCam sẽ tiếp tục ghi lại các hình ảnh khác nhau khi chúng tôi tiếp tục thám hiểm trên vòng quỹ đạo đầu tiên này," Candy Hansen, đồng điều tra viên của Juno đến từ Viện Khoa học Hành tinh tại Tucson, Arizona cho biết. "Những hình ảnh rõ nét đầu tiên của hành tinh sẽ được chụp lại vào ngày 27 tháng 8 khi Juno gần hoàn thành chu kỳ đầu tiên quanh Sao Mộc."

JunoCam là một chiếc camera màu sử dụng để ghi hình ở dải sáng biểu kiến, được thiết kế để chụp lại những bức ảnh về các cực và các tầng mây trên cùng của Sao Mộc. Với vai trò làm đôi mắt của Juno, nó sẽ cung cấp cho chúng ta một tầm nhìn rộng, đồng thời giúp bổ trợ cho các thiết bị khác của con tàu.

JunoCam được đưa vào tàu Juno với mục đích mang tính cộng đồng, mặc dù các hình ảnh thu lại được sẽ góp phần hữu ích cho nhóm nghiên cứu, nó không được coi là một trong các thiết bị khoa học chính của nhiệm vụ này.

Nhóm nhà khoa học của Juno hiện đang trong quá trình làm việc để có thể đưa các hình ảnh từ JunoCam lên website của chương trình này nhằm giúp cho tất cả mọi người có thể truy cập được các bức ảnh.

Trong quá trình thám hiểm này, Juno sẽ đi quanh Sao Mộc 37 lần, bay thấp hơn lớp mây cao nhất của hành tinh này - khoảng 2.600 dặm (4.100 ki-lô-mét). Trong khoảng thời gian đó, Juno sẽ thăm do bên dưới các lớp mây và nghiên cứu cực quang của Sao Mộc để có cái nhìn chi tiết hơn về nguồn gốc, kết cấu, khí quyển và từ quyển của hành tinh này.

Tuấn Phong
Theo Space Daily