Một nhóm các nhà khoa học nhiều quốc gia đã tìm thấy bằng chứng về một loạt các vụ nổ supernova lớn gần Hệ Mặt Trời của chúng ta, khiến Trái Đất tắm trong các mảnh vụn phóng xạ. Các nhà khoa học đã tìm thấy phóng xạ sắt-60 trong trầm tích và mẫu vỏ Trái Đất lấy từ Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.

 

Tiến sĩ Anton Wallner ở Đại học quốc gia Australia (ANU) đứng đầu nghiên cứu cho biết sắt 60 có mặt trong thời gian khoảng từ 3,2 đến 1,7 triệu năm trước, một khoảng thời gian ngắn ngủi đối với thước đo của thiên văn học. "Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều mảnh vụn kéo dài trong suốt 1,5 triệu năm. Nó gợi ý rằng đã có một chuỗi supernova nối tiếp nhau" - ông nói.

Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Astralia, Áo, Nhật Bản và Đức cũng tìm thấy bằng chứng của sắt 60 trong một supernova từ khoảng 8 triệu năm trước, trùng hợp với sự thay đổi phân bố và các loài động vật vào giai đoạn thế Miocen thuộc kỷ Neogen (đại Tân sinh). Một số lý thuyết gợi ý rằng tia vũ trụ từ các supernova đã làm tăng độ che phủ của mây.

Supernova là vụ nổ cuối đời của các sao nặng khi chúng đã hết nguồn nhiên liệu cho phản ứng nhiệt hạch và xảy ra sự sụp đổ vật chất. (Đọc bài "Nova và Supernova")

Các nhà khoa học tin rằng các supernova này có khoảng cách dưới 300 năm ánh sáng, đủ gần để có thể thấy ngay vào ban ngày với độ sáng tương đương với Mặt Trăng. Mặc dù Trái Đất bị bắn phá liên tục bởi các tia vũ trụ từ những vụ nổ này, bức xạ khi chạm tới hành tinh đã quá yếu để gây ra tác động sinh học trực tiếp hoặc tuyệt chủng hàng loạt.

Các vụ nổ supernova tạo ra nhiều nguyên tố nặng và các đồng vị phóng xạ rải vào khu vực lân cận của chúng. Một trong những đồng vị đó là sắt 60 có chu kì bán rã là 2,6 triệu năm. rất khác với người anh em của mình là sắt 56 - một nguyên tố rất bền và ổn định.Tất cả sắt 60 được tạo thành trên Trái Đất hơn 4 tỷ năm trước khi hành tinh hình thành đã biến mất từ rất lâu. Những nguyên tử sắt 60 tới Trái Đất với số lượng rất nhỏ nên nhóm nghiên cứu cần những kĩ thuật rất nhạy để tìm ra được những nguyên tử sắt ngoài hành tinh này.

"Sắt 60 từ không gian ít hơn hàng triệu-tỷ lần so với sắt tự nhiên trên Trái Đất," Tiến sĩ Wallner nói.

Tiến sĩ Wallner bị hấp dẫn bởi những mẫu sắt 60 được tìm thấy ở đáy Thái Bình Dương được tìm thấy từ một thập kí trước bởi một nhóm nghiên cứu của Đại học kỹ thuật Munich (TU Munich/TUM). Ông đã tập hợp nhóm nghiên cứu quốc tế để tìm kiếm những hạt bụi liên sao từ 120 mẫu lấy từ đáy đại dương có tuổi thọ trong khoảng 11 triệu năm vừa qua.

Bước đầu tiên là tách toàn bộ sắt từ các mẫu này. Tiếp theo nhóm nghiên cứu tách lấy những dấu vết rất nhỏ của sắt 60 ra khỏi các đồng vị phổ biến trên Trái Đất bằng máy gia tốc ion nặng của ANU. Tuổi thọ của mẫu được xác định qua qua phóng xạ của các đồng vị khác, beri 10 và nhôm 26.

Kết quả thu được cho thấy vụ bắn phá này đã xảy ra ở hai thời điểm là 3,2 đến 1,7 triệu năm trước và 8 triệu năm trước. Nguồn của các supernova có thể là một cụm sao già, đang tiếp tục dịch chuyển ra xa khỏi Trái Đất, theo một nghiên cứu độc lập được công bố song song của Đại học kĩ thuật Berlin (TU Berlin). Cụm sao lúc này không còn sao lớn nữa, chúng có thể đã phát nổ supernova hết, ném các mảnh vụ vào không gian.

Bryan
Theo Space Daily