Trái Đất di chuyển nhanh hơn 7km/s và ở gần lỗ đen trung tâm thiên hà hơn 2.000 năm ánh sáng so với tính toán trước đây. Nhưng đừng lo lắng, điều đó không hề có nghĩa rằng hành tinh của chúng ta đang lao về phía lỗ đen.
Trên thực tế, đây là kết quả đo chính xác hơn về cấu trúc của thiên hà chúng ta, dựa trên những dự liệu mới nhất, bao gồm một danh mục các vật thể được quan sát trong suốt hơn 15 năm bởi dự án thiên văn vô tuyến có tên là VERA của các nhà thiên văn Nhật Bản.
VERA được khởi động vào năm 2000 với mục tiêu lập bản đồ ba chiều về vận tốc và cấu trúc không gian của thiên hà Milky Way. Dự án này sử dụng kỹ thuật giao thoa để kết hợp dữ liệu từ các kính thiên văn vô tuyến nằm rải rác trên các đảo của Nhật Bản để đạt được độ phân giải tương tương với một kính thiên văn đường kính 2.300 km. Độ chính xác của phép đo thu được ở độ phân giải này là 10 micro-giây cung (10 phần triệu của góc 1 giây), tức là đủ sắc nét để nhìn rõ một đồng xu Mỹ trên bề mặt của Mặt Trăng.
Vì Trái Đất nằm bên trong thiên hà Milky Way, chúng ta không thể lùi lại để nhìn xem thiên hà của mình trông ra sao từ phía ngoài. Kỹ thuật đo thiên văn (astrometry) có thể đo chính xác vị trí và chuyển động của các vật thể. Nó là một công cụ quan trọng để hiểu được cấu trúc tổng quát của thiên hà và vị trí của chúng ta trong đó. Năm nay, danh mục đo đạc thiên văn đầu tiên của VERA đã được công bố, bao gồm dữ liệu về 99 thiên thể.
Dựa trên danh mục đo đạc thiên văn của VERA và các quan sát gần đây bởi các nhóm khác, các nhà thiên văn đã xây dựng được một bản đồ vị trí và vận tốc. Từ bản đồ này họ tính toán về trung tâm của thiên hà, nơi mà mọi thứ để di chuyển quanh. Bản đồ gợi ý rằng trung tâm của thiên hà - nơi có một lỗ đen siêu nặng, nằm cách Trái Đất 25.800 năm ánh sáng. Kết quả này gần hơn so với con số được xác nhận bởi Hiệp hội thiên văn quốc tế (IAU) hồi năm 1985 là 27.700 năm ánh sáng. Thành phần vận tốc của bản đồ chỉ ra rằng Trái Đất di chuyển quanh trung tâm của thiên hà với vận tốc 227 km/s, tức là nhanh hơn so với con số trước đó được xác định là 220 km/s.
Giờ đây, các nhà khoa học của VERA hi vọng có thể quan sát thêm nhiều vật thể nữa, nhất là những vật thể ở gần lỗ đen siêu nặng trung tâm thiên hà, qua đó có thể hiểu rõ hơn về cấu trúc và chuyển động của cả thiên hà. Với nỗ lực đó, VERA sẽ tham gia vào EAVN (Mạng lưới giao thoa kế bước sóng dài Đông Á) với sự tham gia cùng của các kính thiên văn vô tuyến ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Bằng cách tăng số lượng kính thiên văn và khoảng cách tối đa giữa chúng, EAVN có thể thu được độ chính xác cao hơn nữa.
"Danh mục đo đạc thiên văn đầu tiên của VERA" đã được công bố trên Publications of the Astronomical Society of Japan (Công bố khoa học của hội thiên văn học Nhật Bản) tháng 8 năm 2020.
R.T
Theo Phys.org