Với việc New Horizons đã hoàn thành sứ mệnh chính của mình là bay qua gần Pluto, liệu bây giờ chúng ta có nên đặt ra tầm nhìn lớn hơn, tham vọng hơn nhắm tới các hệ sao khác? Nếu vậy, Alpha Centauri có lẽ sẽ là mục tiêu tốt nhất cho tàu không gian liên sao bởi vì nó là hệ sao nằm rất gần Trái Đất.

 

Hệ sao này gồm ba ngôi sao và có thể có các hành tinh đồng hành, là hệ sao gần Trái Đất nhất, cách chúng ta “chỉ” khoảng 4,3 năm ánh sáng. Vấn đề là, việc đến được đó trong thời gian đời người chúng ta vẫn đang là một nhiệm vụ bất khả thi, hay có thể không phải như vậy?

Hệ sao lân cận này chứa một cặp sao đôi có tên là Alpha Centauri A và Alpha Centauri B. Alpha Centauri C, còn gọi là Proxima Centauri là một “sao lùn đỏ” nhỏ và mờ - một ngôi sao nhỏ và tương đối lạnh – và có thể có liên kết hấp dẫn với cặp sao đôi.

Tuy nhiên, điều vẫn đang gây trở ngại cho các nhà thiên văn là sự tồn tại của các ngoại hành tinh trong hệ sao này. Năm 2012, người ta đã phát hiện ra một hành tinh chuyển động quanh Alpha Centauri B, nhưng ba năm sau một nghiên cứu mới đã chỉ ra sai sót của lý thuyết này và gọi khám phá trước đó là “bóng ma qua thời gian”. Ngoài ra, vào năm 2015, một nghiên cứu khác cũng đã đề xuất khả năng có sự tồn tại của một ngoại hành tinh khác chuyển động quanh ngôi sao “B”.

Điều thú vị là, cả hai ngoại hành tinh như giả thuyết sẽ là hành tinh dạng Trái Đất nếu chúng thực sự tồn tại. Điều này có thể là động lực khác thúc đẩy chúng ta đưa tàu vũ trụ đến đó. Nhưng trước khi chuẩn bị bất cứ ý tưởng nào cho nhiệm vụ này, một cái nhìn sâu hơn vào trong hệ sao là rất có ích. Điều trớ trêu là hiện tại chúng ta còn không có cả một chiếc kính thiên văn có khả năng chụp ảnh trực tiếp một hành tinh trong hệ này.

“Điều này phải được thực hiện từ ngoài không gian – mặc dù thế, nó cũng sẽ rất khó. Chúng ta không có một chiếc kính thiên văn có thể làm điều này hiện nay, đặc biệt là đối với các hành tinh nhỏ. Không có các hành tinh khí khổng lồ ở đó, nếu có, chúng ta đã phải tìm được chúng”, Debra Fischer, một nhà thiên văn đồng thời là một thợ săn ngoại hành tinh ở đại học Yale, nói với Astrowatch.net.

4,3 năm ánh sáng tương đương với 25 nghìn tỷ dặm (khoảng 40 nghìn tỷ km), vậy nên việc biết được ít nhất một số thông tin cơ bản về điểm đến là điều cần thiết trước khi bắt đầu một cuộc hành trình đầy thử thách. Với công nghệ hiện nay, một tàu thăm dò robot được gửi đi từ Trái Đất sẽ cần khoảng 40.000 năm để đến được Alpha Centauri, khiến cho việc này hoàn toàn trở nên vô ích đối với chúng ta.

Tàu không gian New Horizons của NASA, con tàu không gian di chuyển nhanh nhất từng được phóng đi từ Trái Đất, hiện nay đang di chuyển khoảng 36.400 dặm mỗi giờ (tương đương khoảng 58.000 km/h). Nếu tàu thăm dò này nhắm đến hệ Alpha Centauri, nó sẽ tới đó sau khoảng 78.000 năm kể từ khi được phóng!

Sự tiến bộ lớn trong công nghệ là điều cần thiết để những cuộc hành trình giữa các vì sao có thể trở thành hiện thực. Nếu như cơ chế đẩy mới không được phát triển, các ý tưởng về việc đi đến những ngôi sao khác có thể sẽ thất bại.

“Một khi chúng ta có khả năng tăng tốc tàu thăm dò lên tới 10% vận tốc ánh sáng, đó sẽ là nơi đầu tiên chúng ta đến! Nó là hệ sao gần nhất và vì thế là một mục tiêu tuyệt vời”, Fischer nói.

Trong quá khứ, đã có các dự án tính đến việc phóng tàu không gian liên sao không người lái với vận tốc 4,5% hay thậm chí 7,1% vận tốc ánh sáng. Giữa năm 1973 và 1978, một nghiên cứu đã được chỉ đạo bởi Hội Liên hành tinh Vương quốc Anh với mục đích phóng một tàu thăm dò sử dụng tên lửa nhiệt hạch tới ngôi sao Barnard cách chúng ta 5,9 năm ánh sáng.

Nghiên cứu này, có tên là “Dự án Daedalus” với mục tiêu phát triển một tàu không gian có khả năng đạt tới 7,1% vân tốc ánh sáng, như vậy toàn bộ chuyến đi sẽ chỉ kéo dài khoảng 50 năm.

Một nghiên cứu tương tự, “Dự án Longshot” được phát triển bởi Học viện Hải quân Hoa Kỳ và NASA, từ năm 1987 đến 1988. Dự án sẽ sử dụng một tàu không gian chạy bằng lực đẩy hạt nhân để đạt đến vận tốc trung bình khoảng 30 triệu dặm mỗi giờ (4,5% tốc độ ánh sáng). Điều này cho phép nó đi đến Alpha Centauri sau khoảng 100 năm kể từ khi được phóng.

Thực tế vẫn còn một danh sách dài những ý tưởng và dự án với nhiệm vụ thiết kế một cơ chế đẩy của tương lai cho phép những chuyến du hành giữa các vì sao. Khác với các ý tưởng dựa vào cơ chế đẩy thông thường, nhiều ý tưởng đưa vào việc sử dụng các tên lửa phản vật chất, công nghệ warp drive (di chuyển dựa vào độ cong của không-thời gian) hay các lỗ sâu.

Một chiếc thuyền buồm không gian chạy bằng laser là một ý tưởng rất độc đáo có vẻ như có thể thực hiện được trong tương lai gần. Nó được đưa ra bởi Geoffrey A. Landis của Trung tâm Nghiên cứu Glenn của NASA vào năm 2002. Landis mô tả một con tàu không gian với buồm hình thoi, dày vài nanomet, hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời, có thể đạt tới được 10% vận tốc ánh sáng.

Sử dụng cơ chế đẩy loại này, sẽ mất khoảng 43 năm để đến được Alpha Centauri nếu nó đi xuyên qua hệ sao. Việc giảm tốc độ và dừng lại tại hệ sao này có thể kéo dài chuyến đi tới 100 năm. Vì thế, sẽ thích hợp hơn khi chỉ bay ngang qua hệ này với tàu thăm dò không người lái.

Khi nào chúng ta mới có thể phát triển một cơ chế đẩy cho phép di chuyển ít nhất với vận tốc bằng 10% vận tốc ánh sáng? Điều đó vẫn còn gây tranh cãi.

“Chúng ta phải có một tàu thăm dò di chuyển nhanh hơn 10% tốc độ ánh sáng và cần có ăng ten thu tín hiệu mạnh ở vùng ngoài Hệ Mặt Trời để bắt được tín hiệu tàu thăm dò gửi về. Hiện nay đó là một chân trời công nghệ có vẻ như xa vời. 50 năm? 100 năm? Rất khó nói!” Fischer kết luận.

Hoàng Gia Linh

Theo Space Daily