Vẻ ngoài bình lặng của NHC 4889 có thể đánh lừa những người quan sát thiếu đa nghi. Nhưng thiên hà elip này, như trong hình ảnh mới ghi được của kính thiên văn Hubble có ẩn chứa một bí mật đen tối. Ở trung tâm của nó là một trong những lỗ đen lớn nhất từng được phát hiện.

 

 

 

Nằm cách chúng ta khoảng 300 triệu năm ánh sáng, trong cụm thiên hà Coma, thiên hà elip khổng lồ NGC 4889 là thiên hà sáng nhất và lớn nhất trong tấm hình. Lỗ đen đã được phát hiện trong thiên hà này có khối lượng 21 tỷ lần khối lượng Mặt Trời với đường kính của chân trời sự kiện trải ra tới 130 tỷ kilomet. Đường kính này tương đương với 15 lần đường kính quĩ đạo của Sao Hải Vương quanh Mặt Trời. Để hình dung dễ dàng hơn, hãy so sánh với lỗ đen trong thiên hà Milky Way của chúng ta. Lỗ đen này có khối lượng khoảng 4 triệu lần Mặt Trời với đường kính của chân trời sự kiện chỉ bằng một phần năm đường kính quĩ đạo Sao Hải Vương.

Tuy nhiên, các nhà thiên văn học tin rằng lỗ đen này đã qua thời gian lớn thêm. Nó đã dừng hoạt động nuốt các sao và vật chất xung quanh. Môi trường trong thiên hà này hiện nay khá bình lặng, các sao được tạo thành từ khí còn lại và chuyển động trên quĩ đạo ổn định quanh lỗ đen trung tâm.

Khi vẫn còn hoạt động, lỗ đen siêu nặng của NGC 4889 trải qua quá trình bồi tụ nóng. Khi vật chất trong thiên hà như khí, bụi và các vật chất khác rơi chậm về phía lỗ đen, nó tích tụ và tạo thành một đĩa bồi tụ. Trong khi quay quanh lỗ đen, đĩa được bồi tụ nhờ lực hâos dẫn cực mạnh của lỗ đen và nóng lên hàng triệu độ. Vật chất được đốt nóng này cũng giải phóng ra những luồng phản lực khổng lồ. Các nhà thiên văn học đánh giá NGC 4889 thuộc dạng quasar trong giai đoạn còn hoạt động của mình, với  đĩa bồi tụ quanh lỗ đen siêu nặng phát ra năng lượng gấp hàng nghìn lần so với Milky Way.

Đĩa bồi tụ là phương tiện cung cấp "thức ăn" cho lỗ đen cho tới khi không còn vật chất ở khu vực lân cận để tiếp tục đáp ứng. Hiện nay, lỗ đen này đã ở giai đoạn nghỉ ngơi. Dù vậy, biết tới sự tồn tại của nó sẽ giúp cho các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về cách mà các quasar hình thành trong giai đoạn sớm của vũ trụ, điều vẫn còn nhiều bí ẩn cho tới nay.

Mặc dù không thể quan sát trực tiếp một lỗ đen vì ánh sáng không thể thoát khỏi hấp dẫn của nó, khối lượng của lỗ đen có thể được xác định một cách gián tiếp. Sử dụng các thiết bị của đài quan sát Keck II và Kính thiên văn Bắc Gemini, các nhà thiên văn đã đo được vận tốc của các sao chuyển động quanh tâm của NGC 4889. Vận tốc của các sao này phụ thuộc vào khối lượng của vật thể ở trung tâm quĩ đạo là lỗ đen siêu nặng, và từ đó có thể xác định khối lượng khổng lồ của nó.

L.C

Theo Science Daily