Một nhóm các nhà thiên văn học từ đài quan sát Armagh và đại học Buckingham thông báo rằng việc phát hiện hàng trăm sao chổi khổng lồ ở khu vực phía ngoài của hệ hành tinh trong hơn hai thập kỉ qua đồng nghĩa với việc những thiên thể này mang lại rủi ro lớn hơn cho sự sống so với các tiểu hành tinh. Nghiên cứu này đã được công bố trong số xuất bản tháng 12 vừa qua của Astronomy and Geophyics (Thiên văn học và Địa vật lý) - tạp chí của Hội thiên văn học Hoàng gia (Anh).

Các sao chổi khổng lồ, được các nhà thiên văn gọi là các centaur (nhân mã) chuyển động trên quĩ đạo không ổn định đi qua đường đi của các hành tinh lớn: Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương. Trường hấp dẫn của các hành tinh này đôi khi có thể làm chệch hướng đi của chúng về phía Trái Đất.

Các centaur thường có đường kính khoảng 50 đến 100km hoặc lớn hơn, và mỗi một thiên thể như thế có khối lượng lớn hơn tổng số tất cả các tiều hành tinh từng được tìm thấy trên Trái Đất từ trước tới nay. Tính toán về khả năng các centaur đi vào vùng trong của Hệ Mặt Trời cho thấy một sao chổi như vậy có thể bị chệch hướng và cắt qua quĩ đạo Trái Đất khoảng 40 đến 100 nghìn năm một lần. Khi ở vùng không gian gần Trái Đất chúng rất dễ bị phá vỡ thành vô số bụi và các mảnh lớn, làm toàn bộ vùng trong của Hệ Mặt Trời tràn ngập những mảnh vỡ khiến cho việc va chạm và tác động với hành tinh của chúng ta là không tránh khỏi.


Những gì chúng ta đã biết về sự rối loạn môi trường và gián đoạn trong sự phát triển của các nền văn minh cổ đại cũng những hiểu biết ngày càng tăng về vật chất liên hành tinh trong không gian gần Trái Đất đưa ra giả thuyết rằng đã có một centaur ghé thăm chúng ta khoảng 30.000 năm trước. Sao chổi khổng lồ này đã rải kính vùng trong của Hệ Mặt Trời bởi các mảnh vụn của nó với kích thước từ hạt bụi cho tới hàng kilomet.

Giai đoạn cụ thể của biến động môi trường trong khoảng từ 10.800 đến 2.300 năm trước Công nguyên được xác định bởi các nhà địa chất và cổ sinh học cũng phù hợp với nghiên cứu mới về quần thể sao chổi này. Một số cuộc tuyệt chủng lớn nhất trong quá khứ xa xôi như là cái chết của khủng long 65 triệu năm trước có thể có cùng lí do tương tự.

Giáo sư Bill Napier ở đại học Buckingham bình luận: "Trong 3 thập kỉ qua chúng ta đã đầu tư rất nhiều công sức trong việc xác định và phân tích nguy cơ của một va chạm giữa Trái Đất và một tiểu hành tinh. Nghiên cứu của chúng tôi gợi ý rằng chúng ta cần nhìn ra xa hơn vùng lân cận, ra tới phía ngoài quĩ đạo của Sao Mộc và tìm kiếm các centaur. Nếu chúng tôi đúng thì những sao chổi xa xôi này có thể là những hiểm họa thực sự, và bây giờ là lúc để hiểu rõ về chúng hơn."

Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra những chứng cứ từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau để củng cố mô hình của họ. Chẳng hạn, niên đại của các lỗ với kích thước hạ-milimet trên những mẫu đá Mặt Trăng do chương trình Apollo mang về hầu như đều dưới 30.000 tuổi, gợi ý rằng đã có một sự gia tăng lớn về lượng bụi ở vùng trong Hệ Mặt Trời vào thời kì đó.

Bryan
Theo Science Daily