Một trong những mục tiêu hàng đầu của giáo dục là định hình thế giới quan cho người học. Một thế giới quan hoàn chỉnh nhất thiết phải dựa trên nền tảng đầu tiên và quan trọng nhất là các khoa học cơ bản. Có hiểu về cách mà thế giới xung quanh vận hành, cách mà những qui luật của nó tác động lên mọi thứ thì con người ta mới xây dựng được cho mình góc nhìn đa chiều và toàn diện về thế giới. Thiên văn học, có lẽ không hẳn là một bộ môn độc lập, mà là một phạm vi, một phạm vi thực sự rộng theo cả không gian và thời gian của khoa học. Vậy nên nó cũng có một vai trò không hề nhỏ trong việc định hình thế giới quan của con người.
Khi tôi đưa ra câu hỏi về vai trò của việc đưa thiên văn học vào trong giáo dục, tôi đã nhận được khá nhiều câu trả lời. Nhiều người trong số đó, có lẽ hầu hết là còn rất trẻ, chỉ hiểu theo một nghĩa là lập nên một môn học gọi là thiên văn học, và thường thì chỉ quan tâm tới việc nó có thú vị hay không.
Trước hết, tôi thì cho rằng mọi môn khoa học đều rất thú vị, nếu bạn không thấy nó thú vị khi đi học thì hoặc là bạn chưa từng thực sự thử tìm hiểu nó dưới khía cạnh một phạm vi kiến thức, hoặc là bởi bạn đã không may mắn khi gặp phải một người thầy tồi.
Thứ hai, giáo dục không phải là chỉ dành cho học sinh, hay rộng hơn là cho lớp trẻ. Giáo dục là một quá trình lâu dài, một quá trình ... cả đời. Giáo dục cũng không nhất thiết là ở trường lớp - một cách hiểu đang gây khá nhiều vấn đề trong nền giáo dục ngày nay của chúng ta. Giáo dục đến từ môi trường xã hội, đến từ gia đình, và đến từ chính bản thân mỗi chúng ta - sự tự giáo dục. Vậy nên, tôi nghĩ câu hỏi như nêu trên cần được hiểu rộng hơn, hay một cách tổng quát hơn là "Thiên văn học cần cho sự phát triển nhận thức như thế nào?".
Tôi xin được nhắc lại ý đã nêu trong lời mở đầu của mình ở bài viết này, đó là một thế giới quan hoàn chỉnh nhất thiết phải được xây dựng trên nền tảng quan trọng nhất là kiến thức khoa học cơ bản. Anh nào đó có thể cãi một cách đầy vẻ nhân văn và bác ái rằng "tôi thì nghĩ lòng nhân ái của con người mới là quan trọng nhất" - một cái "mốt" khá là phổ biến ngày nay. Tôi thì sẽ không phủ nhận vai trò của tình cảm con người, bởi lẽ đơn giản là nếu không có nó thì sẽ chẳng có đam mê nào trên thế giới này nữa, và hẳn là giờ này chúng ta vẫn còn đang ... ở trên cây. Vậy nhưng nếu anh coi nó là quan trọng nhất, quyết định mọi thứ thì anh nhầm. Nếu anh không biết những cảm xúc của anh từ đâu mà đến, không biết anh ăn gì (sinh học), tiếp xúc với những thứ gì (tâm lý học) thì anh có thể trở nên nóng nảy hơn, mềm yếu hơn hay bao dung hơn... thì anh sẽ chẳng tự kiểm soát được hành vi của chính mình. Ngược lại nếu anh biết những thứ đó thì hẳn là anh sẽ "giáo dục" cảm xúc của mình tốt hơn nhiều. Vậy là năng lực cảm xúc của anh dù muốn hay không vẫn cứ phụ thuộc vào những hiểu biết của anh về khoa học cơ bản.
Ta hãy quay lại với đối tượng chính ở đây là thiên văn học!
Thiên văn học cần cho thế giới quan của con người như thế nào?
Ngày nay, khi nói thiên văn học thì một thuật ngữ chính xác hơn nhiều khi được dùng là "vật lý thiên văn" (astrophysics) vì bản thân từ "thiên văn học" (astronomy) có vẻ hơi chung chung, nó đôi khi gây ra sự đánh đồng với thú vui ngắm sao hay chụp mấy bức ảnh bầu trời - mấy thứ đó thì rõ là chẳng thể gọi là khoa học được. Như vậy thì chỉ cái tên đó đã đủ nói lên thiên văn học ngày nay là lĩnh vực nghiên cứu của vật lý học. Mặc dù vậy, nó không phải một bộ phận được chia theo một số đặc điểm nhất định như cơ học, điện học, quang học ... mà nó là một phạm vi. Nghiên cứu thiên văn cần tới kiến thức về mọi dự phần của vật lý nói riêng và khoa học cơ bản nói chung (hóa học, sinh học, địa chất ... cũng tham gia vào đó), nhưng nó tập trung vào thang vĩ mô hơn: tất cả những gì bên ngoài Trái Đất và cả chính tính chất tổng quát của Trái Đất - vĩ mô theo cả không gian và thời gian.
Tìm hiểu thiên văn học là tìm hiểu về toàn bộ cấu trúc của vũ trụ. Nhìn vào lịch sử của vũ trụ, người ta mới dự đoán được những khả năng cho tương lai của nó, cũng chính là tương lai của hành tinh chúng ta. Quan sát các thiên hà và sao ở xa để xem cách chúng ra đời và tiến hóa mang lại cho chúng ta gợi ý về chính hành tinh của chúng ta, sự sống của chúng ta. Hiểu về chính mình luôn là một nhu cầu mà bất cứ con người nào cũng luôn hướng tới. Nhưng hơn thế nữa, hiểu về chính mình còn để cải tạo cuộc sống tốt đẹp hơn.
Dự báo thời tiết, định vị toàn cầu, truyền hình vệ tinh, ... là những ứng dụng rõ ràng và quen thuộc nhất ngày nay. Gần đây, chuyện các cường quốc đang sắp bắt đầu một cuộc đua mới trong việc xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng và Sao Hỏa cũng đang là đề tài rất được quan tâm. Nhưng hãy nên biết rằng: tất cả những thứ đó mới chỉ là bắt đầu. Nếu anh nào nói thiên văn là chuyện xa vời, có lẽ vài ví dụ này có thể giúp anh ta suy xét lại. Khoa học vũ trụ sẽ còn tiến rất xa trong những năm tới, và mang tới cho nhân loại nhiều ứng dụng, cũng như nhiều thông tin về chính thế giới của chúng ta.
Tất nhiên, để nói về ứng dụng của thiên văn học thì tôi còn có thể kể ra rất nhiều nữa, nhưng có lẽ nếu sa đà vào thứ đó thì tôi sẽ mâu thuẫn với chính quan điểm ban đầu của mình - quan điểm mà tôi nhận thức rõ nhất, mạch lạc nhất, cũng như luôn tin vào nó. Theo quan điểm đó của tôi cũng như đa số những nhà khoa học chân chính khác thì: ứng dụng chỉ là tiện ích, không phải là mục đích của khoa học.
Đúng như vậy, điều đặc biệt nhất mà nghiên cứu khoa học mang tới cho chúng ta là sự thỏa mãn tính tò mò, óc tưởng tượng, và hơn thế là sự hoàn thiện trí tuệ, thế giới quan,... Một con người hạnh phúc không phải là một con người ngu dốt, như một câu thành ngữ mà chắc chúng ta đều biết - "ngu si hưởng thái bình"-... hay ít ra, "thái bình" không có nghĩa là hạnh phúc. Hạnh phúc hay đau khổ không phải chỉ là vui hay buồn, cười hay khóc. Hạnh phúc nhiều hay ít phụ thuộc vào việc con người ta cảm nhận về thế giới quanh mình như thế nào. Hiểu về vũ trụ chính là cách tốt nhất để qua đó hiểu về toàn bộ thế giới của chúng ta và cách mà nó tác động lên mỗi người.
Nói đến việc đưa vào giáo dục cho tuổi trẻ, có anh lại nói "học sinh học nặng quá rồi nên chỉ cần những môn thực sự cần thiết". Tôi thì dám cá tuyệt đại đa số những anh đó còn không biết cái phương trình bậc hai hay cái phép tính vi phân sinh ra để làm gì. Nếu đã không biết tại sao anh vẫn học? Tại sao anh lại nghĩ nó thì cần thiết?
Tất nhiên những thứ đó rất cần thiết trong thế giới hiện đại. Nhưng hầu hết cái cần thiết của những phép tính đó là dành cho các ngành khoa học tự nhiên và các công nghệ đi cùng với chúng. Nói như vậy để chúng ta thấy sự liên kết của các lĩnh vực khoa học. Có kiến thức thiên văn học cũng hỗ trợ cho việc học tập và hiểu rõ hơn về tất cả các lĩnh vực liên quan. Hay nói cách khác, đó cũng chính là để hoàn thiện hơn thế giới quan của con người – một thế giới quan rất gần gũi chứ chẳng phải là chuyện “trên trời” như nhiều người còn ngộ nhận.
Tổng kết lại, có thể nói thiên văn học là một trong những phạm vi nghiên cứu rộng nhất, xuyên suốt nhất. Tìm hiểu về vũ trụ là tìm hiểu về chính thế giới xung quanh chúng ta với những qui luật và hiện tượng của nó, cũng là tìm hiểu về nguồn gốc sự sống của chúng ta, tìm ra những khả năng và những phương án cho tương lai. Nghiên cứu chuyên sâu có thể còn là một bài toán khó đối với một quốc gia đang phát triển, nhưng bài toán đó sẽ không bao giờ giải được nếu quốc gia đó không bao giờ chuẩn bị những công cụ đầu tiên. Công cụ đó phải được gây dựng nên từ giáo dục, chỉ có đưa khoa học - ở đây là thiên văn học – vào giáo dục thì chúng ta mới có những con người hoàn thiện về thế giới quan. Chỉ có một thế giới quan toàn diện, có hiểu biết và góc nhìn đúng đắn về khoa học mới giúp tạo dựng nên một nhà khoa học thực sự.
Ngày 20 tháng 11 năm 2015
ĐẶNG VŨ TUẤN SƠN
- Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) -
Đọc thêm bài: Thiên văn học - không chỉ đẹp ở bầu trời