Một nhóm các nhà thiên văn quốc tế, trong đó, tiến sĩ Simon Vaughan đến từ khoa Vật lý thiên văn của đại học Leicester đã phát hiện ra mối liên kết chưa từng biết giữa sự phát triển của các sao trẻ và cách các lỗ đen cũng như các thiên thể kỳ lạ khác ngoài không gian được "nuôi lớn" từ môi trường xung quanh.
Nghiên cứu về “Các mối liên hệ thay đổi nguyên nhân gây ra bồi đắp ở các sao trẻ, sao lùn trắng và lỗ đen” được công bố trên tạp chí Science Advances. Nghiên cứu này cho thấy cách “nhấp nháy” ở ánh sáng nhìn thấy của cácYSO (young stellar objects) – các sao rất trẻ trong giai đoạn cuối của sự hình thành – tương tự như sự nhấp nháy được thấy ở các lỗ đen hay sao lùn trắng khi chúng hút vật chất một cách dữ dội từ môi trường xung quanh, quá trình đó gọi là bồi tụ. (Chú thích của VACA: "nhấp nháy" của các thiên thể như lỗ đen hay sao lùn trắng không phải ở ánh sáng của chúng mà là cách ví von về sự dao động của các sóng thu được, các sóng này phát ra do vật chất được đốt nóng trong quá trình gia tốc khi cuốn về phía chúng)
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đĩa bồi tụ tương đối lạnh quanh các sao trẻ mà rìa bên trong của chúng có thể có kích thước gấp nhiều lần Mặt Trời, lại có biểu hiện tương tự như những đĩa nóng và hoạt động mạnh quanh các sao lùn trắng có kích thước của hành tinh, các lỗ đen với kích thước một thành phố và cả các lỗ đen siêu nặng với kích thước của toàn bộ Hệ Mặt Trời, mang tới tiến triển cho việc nghiên cứu sự bồi tụ.
Nghiên cứu đã tìm thấy liên hệ giữa kích thước của thiên thể trung tâm với tốc độ sự "nhấp nháy" gây ra bởi đĩa bồi tụ, gợi ý rằng tính chất vật lý của bồi tụ là rất giống nhau đối với các loại thiên thể khác nhau bất chấp việc chúng khác biệt ở nhiều yếu tố như kích thước, tuổi, nhiệt độ và hấp dẫn.
Tiến sĩ Simon Vaughan, chuyên gia về thiên văn học quan sát ở Khoa Vật lý và Thiên văn Đại học Leicester, giải thích: "Những dao động dường như ngẫu nhiên mà chúng tôi thấy ở các lỗ đen và sao lùn trắng rất giống với ở các sao rất trẻ - chỉ có nhịp của chúng là thay đổi."
Đĩa bồi tụ là nguyên nhân dẫn tới sự tăng trưởng và tiến hoá của hầu hết các thiên thể, từ những tiền sao trẻ vẫn còn trong giai đoạn tạo sao cho tới những lỗ đen siêu nặng già cỗi ở tring tâm các thiên hà.
Kính thiên văn Kepler/K2 của NASA có thể xác định những rung động dường như ngẫu nhiên gây ra bởi các đĩa bồi tụ, hé lộ cách mà tất cả chúng có những dao động như nhau ở mọi kích thước. Như vậy bồi tụ là một quá trình chung được tạo ra theo cùng một cách đối với mọi thiên thể.
Ngọc Ánh
(VACA)
Theo Space Daily