Sau hơn bốn thập kỷ kể từ lần cuối cùng con người đặt chân lên Mặt Trăng, giờ đây cơ quan không gian Roscosmos của Nga đang thực hiện việc gửi một tàu không gian robot tới để xác định địa điểm cho việc xây dựng một căn cứ Mặt Trăng.
Căn cứ này sẽ được xây dựng với công nghệ cao, có các phòng và khoang đáp ứng được nhu cầu ở cho các phi hành gia, các phòng thí nghiệm, bãi đáp và phóng tàu và thậm chí là một đài quan sát thiên văn - theo Tech Insider cho biết.
Roscosmos cho biết con tàu thăm dò này có tên là Luna 25, và sẽ đáp xuống cực nam của Mặt Trăng vào năm 2024.
Hiện Luna 25 đã bắt đầu được đưa vào chế tạo, và một khi hoàn thành con tàu sẽ được trang bị 8 camera để định hướng và ghi hình. Tàu cũng sẽ được hỗ trợ một dụng cụ khoan để có thể đào sâu vào bề mặt Mặt Trăng.
Luna 25 sẽ được cung cấp nhiên liệu từ plutonium-238. Chất phóng xạ này khi phân rã sẽ phát nhiệt và được chuyển hóa thành điện.
Tiền thân của con tàu, Luna 24, đã đáp xuống Mặt Trăng vào tháng 8 năm 1976 và mang về cho chúng ta 170 gam mẫu vật trên đó.
Nga không phải quốc gia duy nhất đang có kế hoạch nghiên cứu lâu dài trên Mặt Trăng. Cơ quan Nghiên cứu không gian châu Âu (ESA) cũng đã thông báo kế hoạch xây dựng căn cứ riêng của họ trên Mặt Trăng.
Tại Mỹ, sự chú ý hiện đang dồn hết về Sao Hỏa. Theo một số chuyên gia thì đây là một sai lầm. Họ cho rằng NASA trước hết nên tập trung xây dựng căn cứ Mặt Trăng rồi tiến tới việc xây dựng một căn cứ trên Sao Hỏa qua việc rút kinh nghiệm từ Mặt Trăng.
Một số người khác thì cho rằng việc quay về Mặt Trăng sẽ là một bước lùi đối với NASA.
Tuấn Phong (VACA)
Theo Space Daily