Một nhóm các nhà thiên văn học nghiên cứu dữ liệu từ hơn 200.000 thiên hà đã đo được năng lượng sản sinh ra từ một phần lớn của vũ trụ chính xác hơn bao giờ hết. Kết quả này thể hiện rõ ràng mức độ tạo ra năng lượng trong phần vũ trụ quanh chúng ta. Họ nhận thấy rằng năng lượng được hình thành trong vùng vũ trụ này ngày nay chỉ bằng một nửa so với 2 tỷ năm trước và sự suy giảm này thể hiện ở mọi bước sóng từ tử ngoại đến hồng ngoại dài. Vũ trụ đang chết dần.

Nghiên cứu sử dụng quan sát của những kính thiên văn mạnh nhất thế giới gồm kính VISTA của ESO và hệ thống kính VST tại đài quan sát Paranal ở Chile. Ngoài ra, dữ liệu còn đến từ các kính thiên văn không gian gồm GALEX và WISE của NASA, và Herschel của ESA.

Nghiên cứu là một phần của dự án nghiên cứu thiên hà và khối lượng (GAMA) - khảo sát đa bước sóng lớn nhất từng được thực hiện.

"Chúng tôi đã sử dụng tất cả các kính thiên văn không gian cũng như mặt đất có thể để có thể đo năng lượng phát ra từ hơn 200.000 thiên hà ở phạm vi dải sóng rộng nhất có thể" - cho biết của Simon Driver (ICRAR, Đại học Tây Australia), đứng đầu dự án GAMA.

Dữ liệu khảo sát đã được công bố với các nhà khoa học khắp thế giới hiện nay, bao gồm những đo đạc về năng lượng phát ra từ các thiên hà ở 21 bước sóng khác nhau, từ dải tử ngoại (cực tím) tới dải hồng ngoại dài. Lượng dữ liệu này giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự hình thành và tiến hóa của các thiên hà.

Toàn bộ năng lượng của vũ trụ được tạo ra từ Big Bang (vụ nổ lớn), với một phần trong đó tích lũy và cô đặc lại dưới dạng khối lượng. Các ngôi sao phát sáng bằng cách chuyến hóa khối lượng trở lại thành năng lượng, như mô tả trong phương trình nổi tiếng của Einstein: E=mc² (E là năng lượng, m là khối lượng và c là vận tốc ánh sáng trong chân không). Nghiên cứu của GAMA mang lại những thông tin chính xác về lượng năng lượng sinh ra trong vũ trụ ngày nay và trong những thời điểm trước đây trong quá khứ.

Sự phân bố các thiên hà được xác định bởi nhóm khảo sát Australia, Mỹ và châu Âu. Tổng cộng ngayfnay chúng ta đã lập bản đồ vị trí của 4 triệu thiên hà và qua đó có thể sử dụng để nghiên cứu quá trình tiến hóa của khối lượng, năng lượng và cấu trúc vũ trụ trong vài tỷ năm gần đây.

 

"Trong khi hầu hết năng lượng lan ra trong vũ trụ do hậu quả của Big Bang, các năng lượng bổ sung liên tục đến từ các ngôi sao qua phản ứng nhiệt hạch của hydro và heli", Simon Driver nói, "Năng lượng mới này hoặc bị hấp thụ bởi các hạt bụi trong không gian khi chúng di chuyển trong thiên hà mẹ, hoặc thoát vào không gian giữa các thiên hà và di chuyển cho tới khi chạm vào thứ gì đó, chẳng hạn như một ngôi sao khác, một hành tinh, hay đôi khi là một chiếc kính thiên văn."

Thực tế thì việc vũ trụ đang hoạt động yếu dần đã được biết tới từ những năm 1990, nhưng nghiên cứu này chỉ ra rằng việc đó xảy ra là ở mọi bước sóng từ tử ngoại đến hồng ngoại dài, đủ thể hiện toàn bộ mức độ sản sinh năng lượng của vũ trụ.

"Vũ trụ sẽ lịm dần, nó đang trôi vào tuổi già. Vũ trụ đã ngồi xuống sofa, kéo chăn lên và sắp trôi vào một giấc ngủ vĩnh viễn", Simon Driver kết luận.

Các nhà khoa học hi vọng sẽ mở rộng nghiên cứu để lập nên một bản đồ về sự sản sinh năng lượng trong toàn bộ lịch sữ vũ trụ với việc sử dụng những công cụ mới như kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới, Square Kilometre Array (tổ hợp kính rộng 1km²), sắp được xây dựng tại Australia và Nam Phi.

Kết quả nghiên cứu này được công bố tại Đại hội Hiệp hội thiên văn quốc tế lần thứ 29 tổ chức hôm thứ hai, ngày 10 tháng 8 năm 2015 tại Honolulu, Hawaii.

Bryan (VACA)
Theo Science Daily