Mưa sao băng Delta Aquarids sẽ đạt tới cực điểm và có thể được quan sát vào cuối tháng 7 này. Ánh Trăng sẽ là cản trở đáng kể nhưng nếu thời tiết tốt và với một chút may mắn, bạn có thể quan sát thấy một số sao băng của hiện tượng này.
Mưa sao băng là hiện tượng xảy ra khi Trái Đất đi tới khu vực quĩ đạo có những đám rất nhiều thiên thạch nhỏ. Những đám này thường là kết quả để lại của các sao chổi khi chúng tới gần Mặt Trời. Khi Trái Đất lướt qua, lực hấp dẫn của nó kéo rất nhiều thiên thạch nhỏ như vậy lao vào khí quyển và cháy sáng tạo thành những vệt sáng mà chúng ta gọi là sao băng. Mưa sao băng Delta Aquarids được cho là kết quả để lại của sao chổi 96P Machholz - một sao chổi chu kì ngắn đã tới cận nhật lần gần đây nhất là vào năm 2012 và lần tới của nó sẽ là năm 2017.
Trên thực tế, mưa sao băng này kéo dài từ giữ tháng 7 cho tới giữa hoặc gần cuối tháng 8. Mặc dù vậy nó không phải một mưa sao băng lớn nên thời gian có thể quan sát nó ngay cả đối với những khu vực có khí quyển lý tưởng nhất chỉ rơi vào rạng sáng hai ngày 28 và 29 tháng 7.
Vị trí trung tâm của hiện tượng này là chòm sao Aquarius (như ta có thể thấy trong tên của trận mưa sao băng). Vào khoảng từ 2h cho tới trước bình minh các ngày nêu trên, bạn có thể thấy chòm sao này nằm ở bầu trời phía Nam, đó là thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng. Mặc dù vậy, chòm sao Aquarius không phải là dễ xác định đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, một cách đơn giản hơn là hãy thử xác định một hình vuông lớn nằm cao hơn, được tạo thành bởi 4 ngôi sao khá sáng, đó là một phần của chòm sao Pegasus. Kéo dài cạnh bên phải của hình vuông này xuống phía thấp hơn một đoạn bạn sẽ gặp một ngôi sao sáng, đó là sao Fomalhaut trong chòm sao Piscis Austrinus. Khu vực trung tâm của mưa sao băng nằm cao hơn một chút so với ngôi sao sáng đó (như trong hình).
Xin lưu ý rằng đây là mưa sao băng không lớn (cực điểm chỉ từ 15 đến 20 sao băng mỗi giờ), nếu không muốn nói là khá nhỏ, mặt khác thời gian cực điểm của nó rơi vào những đêm Trăng khá sáng; do vậy việc theo dõi hiện tượng này sẽ tỏ ra khó khăn đối với người quan sát trong các thành phố lớn có mức ô nhiễm khí quyển cao. Mặt khác, việc quan sát cũng chỉ có thể được thực hiện khi trời trong. Nói một cách dễ hiểu nhất, bạn hãy thử quan sát các ngôi sao - các chấm sáng trên bầu trời. Nếu việc xác định tối thiểu vài chục sao bằng mắt thường tỏ ra khó khăn thì bạn sẽ rất khó có thể thấy được sao băng.
Để quan sát, bạn không cần chuẩn bị bất cứ dụng cụ nào, chỉ cần sử dụng mắt thường, chọn nơi có góc nhìn rộng, ít ánh đèn chiếu trực tiếp vào mắt. Chọn tư thế quan sát sao cho mắt luôn hướng lên bầu trời (nằm ngửa, ngả lưng trên ghế dài ...) để quan sát.
Một mưa sao băng khá hấp dẫn hơn sẽ đạt cực điểm vào gần giữa tháng 8. Đó là mưa sao băng Perseids - trận mưa sao băng lớn nhất hàng năm. Người quan sát nếu thấy khó khăn đối với Delta Aquarids có thể đợi tới hiện tượng này.
Đặng Vũ Tuấn Sơn
(Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam)