Nguyệt thực là một hiện tượng tự nhiên thú vị mà đôi khi con người có thể quan sát được. Sự biến đổi màu sắc của Mặt Trăng khi xảy ra hiện tượng này cũng thường khiến nhiều người đặt ra những thắc mắc. Những huyền thoại và những tin đồn xung quanh nguyêt thực thì rất nhiều, đôi khi gây hoang mang cho nhiều người. Tuy nhiên thực tế đa số những điều đó chỉ là sự thêu dệt của những người giàu trí tưởng tượng. Dù vậy, ta hãy thử xét tới một vài ảnh hưởng thực tới đời sống con người khi nguyệt thực diễn ra.
Các truyền thuyết
Có nhiều truyền thuyết lí giải việc xuất hiện nguyệt thực trong những nền văn hóa cổ xưa, khi loài người chưa có đủ kiến thức khoa học để chỉ ra những nguyên nhân thực sự. Ngày nay, dưới ánh sáng khoa học, hiện tượng này được giải thích rất rõ ràng, dù vậy nhiều truyền thuyết vẫn được lưu truyền và có một thực tế là cũng như nhiều nét văn hóa tín ngưỡng khác, chúng vẫn có những tác động nhất định lên tư duy và văn hóa xã hội của từng vùng.
Theo truyền thuyết của người Inca (một nền văn minh cổ ở Nam Mỹ) thì khi nguyệt thực xảy ra là lúc có một con báo jaguar (báo đốm Nam Mỹ) tấn công và ăn Mặt Trăng. Mặt Trăng bị chảy máu nên mới trở nên đỏ sẫm như vậy. Họ còn sợ rằng sau khi ăn Mặt Trăng, con báo sẽ lao xuống Trái Đất và ăn thịt người. Vậy nên mỗi lần thấy hiện tượng này, người Inca thường tập trung nhau lại, vung giáo hướng về Mặt Trăng đồng thời gây ra nhiều tiếng động, tiếng hò hét ... để xua đuổi con báo.
Những người Lưỡng Hà cổ thì cho rằng nguyệt thực là một cuộc tấn công nhắm vào vua của họ. Vậy nên khi nguyệt thực diễn ra, họ liền cho một người lên làm vua tạm thời để thay thế gánh chịu mọi hậu quả. Thông thường, sau khi nguyệt thực kết thúc, vị vua giả này bị thủ tiêu và biến mất để củng cố niềm tin của nhân dân.
Ở phương Đông chúng ta, bản thân từ "thực" trong nguyệt thực (và cả nhật thực) ở tiếng Việt là lấy lại từ tiếng Hán (và chuyển thể sang Hán-Việt) có nghĩa là "ăn" hay "bị ăn". Theo truyền thuyết của người Trung Quốc thì nguyệt thực là khi có một con rồng nuốt Mặt Trăng, và muốn nó nhả ra thì cần phải gây nhiều tiếng động để đuổi nó đi. Thậm chí, tới tận thế kỉ 19, trong một lần nguyệt thực, hải quân của nước này còn bắn pháo về phía Mặt Trăng vì tin rằng họ đang tấn công con rồng.
Ngoài ra, còn rất nhiều truyền thuyết của những nền văn hóa khác, mà trong đó kịch bản về việc Mặt Trăng bị ăn mất là phổ biến nhất, dù thủ phạm thì khác nhau (ngoài báo jaguar và rồng còn có nhiều con vật khác như gấu, chó sói, ...)
Có thể thấy rằng hầu hết các quan điểm cổ xưa đều cho rằng sự xuất hiện của nguyệt thực là một điềm báo xấu, có lẽ xuất phát từ tâm lý sợ những sự bất thường, những điều khác biệt so với cuộc sống hàng ngày. Cái đáng nói là như một vài ví dụ vừa nêu, những niềm tin thiếu cơ sở đó đã gây ra nhiều thiệt hại trực tiếp cho con người. Thậm chí cho đến tận ngày nay, niềm tin mơ hồ về những điềm xấu vẫn gây ảnh hưởng tới cuộc sống của con người ở nhiều nơi. Khi sắp và trong thời gian diễn ra nguyệt thực, nhiều người làm lễ thờ cúng, khấn vái với hi vọng thoát khỏi những tai họa nó mang lại, ở Việt Nam cũng không hề là ngoại lệ. Rõ ràng những niềm tin thiếu căn cứ này gây ra sự lãng phí không nhỏ về vật chất, và quan trọng hơn làm lệch lạc thế giới quan và hệ tư tưởng của con người. Tất nhiên, không phủ nhận rằng bản thân hiện tượng này có gây ra một số tác động nhất định lên hành tinh của chúng ta, và gián tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống của con người. Để hiểu rõ chúng, phân định xem ảnh hưởng chúng mang lại là tích cực hay tiêu cực thì trước hết cần hiểu rõ bản chất vật lý của hiện tượng.
Bản chất và ảnh hưởng vật lý
Bản thân Trái Đất và Mặt Trăng là những thiên thể không tự phát ra ánh sáng. Ánh sáng chúng ta có trên mặt đất, chúng ta thấy ở Mặt Trăng là do chúng hấp thụ và phản xạ ánh sáng chiếu tới từ Mặt Trời. Những ngày trăng tròn (15 hoặc 16 hàng tháng âm lịch) là những thời điểm Mặt Trăng nằm ở phía bên kia của Trái Đất so với Mặt Trời, nên lúc đó toàn bộ một nửa được chiếu sáng của nó hướng về Trái Đất (nhờ vậy ta mới thấy nó tròn). Tuy nhiên có những lần khi đi qua điểm tròn nhất này (điểm Trăng tròn là một thời điểm cụ thể có thể rơi vào ngày 15 hoặc 16 âm lịch, thuật ngữ tiếng Anh gọi là full moon), Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối phía sau của Trái Đất, nói cách khác dễ hiểu hơn là Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng lúc này nằm trên một đường thẳng. Như vậy ánh sáng từ Mặt Trời tới với Mặt Trăng bị Trái Đất cản lại, chỉ có một phần rất nhỏ ánh sáng ở bước sóng đỏ và gần đỏ khúc xạ qua khí quyển Trái Đất và tới được với Mặt Trăng. Do vậy mà thiên thể này tối hơn bình thường và chuyển sang màu đỏ. (Chi tiết hơn tại đây)
Có thể thấy rằng đây hoàn toàn là hiện tượng vật lý được lý giải cụ thể. Thậm chí ngày nay việc tính trước ngày nào, giờ nào sẽ xảy ra hiện tượng này là một điều hết sức dễ dàng của khoa học. Vậy nên việc gán cho hiện tượng này những câu chuyện huyền bí cũng như những dự đoán thiếu lạc quan là phản khoa học và nguy hại hơn là trở thành nguyên nhân của nhiều hoạt động tín ngưỡng không lành mạnh làm ảnh hưởng không tốt tới xã hội.
Mặc dù vậy, trên thực tế việc xảy ra hiện tượng này không phải không có ảnh hưởng tới đời sống và sinh hoạt của con người.
Trái Đất chịu tác dụng hấp dẫn đồng thời của Mặt Trời và Mặt Trăng. Vào những thời điểm thông thường, lực hấp dẫn tác động lên hành tinh của chúng ta từ hai thiên thể này không cùng phương mà lệch nhau một góc nhất định. Vào những ngày Trăng tròn, lực hấp dẫn của hai thiên thể nêu trên với Trái Đất gần trùng phương với nhau nên tổng lực là lớn nhất trong mỗi chu kì. Tuy nhiên khi xảy ra nguyệt thực, ba thiên thể nằm thẳng hàng nên hai lực này gần như hoàn toàn trùng phương và như vậy tổng giá trị của chúng là cực đại.
Khi tổng lực hấp dẫn tăng lên, trước hết nó làm cho các đợt thủy triều mạnh hơn, cao hơn. Thậm chí, người Nhật xa xưa đã tin rằng nguyệt thực báo hiệu các trận động đất, sóng thần có thể sẽ tới. Điều này hoàn toàn không phải mê tín mà ngày nay nghiên cứu cho thấy tại những khu vực có hoạt động địa chất không ổn định thì sự gia tăng của lực hấp dẫn là một nhân tố tác động thêm lên khả năng phát sinh các dao động địa chất - nguyên nhân gây nên động đất, sóng thần hay núi lửa.
Đối với lịch sinh học của con người, một nghiên cứu vào năm 2013 đã chỉ ra rằng thời điểm Trăng tròn, đặc biệt lại là khi có nguyệt thực có liên quan tới việc suy giảm melatonin, một hormone liên quan tới việc điều chỉnh chu kì ngủ và tỉnh giấc. Vậy nên vào những ngày này người ta thường khó ngủ hơn, và đồng thời làm tăng khả năng ức chế thần kinh. Mặc dù vậy, ảnh hưởng này là không lớn nên không quá nghiêm trọng đối với cá nhân mỗi người.
Nhiều thống kê khác chỉ ra chu kỳ Trăng tròn nói chung và nguyệt thực nói riêng có ảnh hưởng tới việc tăng tỷ lệ sinh nở ở phụ nữ. Tuy nhiên tới nay việc này chưa có những bằng chứng khoa học cụ thể.
Xin lưu ý rằng tất cả những ảnh hưởng vật lý nêu trên đều khá nhỏ và do vậy thực tế chúng có tác động không đáng kể tới đời sống hàng ngày của con người. Và tất nhiên, trên thực tế nguyệt thực vẫn là một hiện tượng thiên nhiên rất thú vị mà con người có thể quan sát. Đó cũng là dịp để các nhà khoa học quan sát chi tiết hơn bề mặt của Mặt Trăng (do cường độ ánh sáng giảm không gây chói như những lần Trăng tròn thông thường), qua đó nghiên cứu sâu hơn về nguồn gốc và các hoạt động của Hệ Mặt Trời nơi chúng ta sống.