Một tiểu hành tinh nhỏ có kí hiệu 2014 RC sẽ lướt qua rất gần Trái Đất một cách an toàn vào đêm nay, hay chính xác là lúc 01h18 rạng sáng ngày mai 08/09 theo giờ Việt Nam (18h18 UTC). Tiểu hành tinh sẽ bay ngang qua vùng trời New Zealand. Từ độ phản chiếu ánh sáng của nó, các nhà thiên văn ước tính kích thước của nó vào khoảng 20 mét.

Tiểu hành tinh 2014 RC lần đầu tiên được phát hiện vào đêm 31 tháng 8 bởi Catalina Sky Survey (dự án khảo sát bầu trời Catalina) gần Tucson, Arizona và sau đó được xác định một cách độc lập bởi kính thiên văn Pan-STARS 1 đặt trên đỉnh núi Haleakal ở Maui, Hawaii.

Cả hai đều thông báo quan sát của họ ở trung tâm tiểu hành tinh tại Cambridge, Massachusetts. Các quan sát tiếp theo của Catalina Sky Survey và kính thiên văn 88 inch (2,2m) của đại học Hawaii ở Mauna Keo đã xác định được quĩ đạo của 2014 RC.

Ở thời điểm tới gần nhất, 2014 RC sẽ tới khoảng cách chỉ bằng 1 phần 10 khoảng cách từ tâm Trái Đất tới Mặt Trăng, tức là khoảng 40.000km. Cấp sao biểu kiến của nó khi đó là 11,5, tức là vẫn quá mờ và không thể quan sát bằng mắt thường.Tuy nhiên, các nhà thiên văn nghiệp dư với các kính thiên văn nhỏ có thể quan sát được phần nào sự xuất hiện ngắn ngủi của thiên thể này.

Tiểu hành tinh sẽ lướt qua Trái Đất ở độ cao thấp hơn các vệ tinh địa tĩnh truyền thông tin liên lạc và dự báo thời tiết có độ cao 36.000km.



Thiên thể này không hề gây ra bất cứ nguy cơ nào cho Trái Đất và các vệ tinh. Ngược lại, việc tới gần của nó tạo ra một cơ hội duy nhất cho các nhà nghiên cứu quan sát và tìm hiểu nhiều hơn về các tiểu hành tinh.

2014 sẽ không va chạm với Trái Đất và do đó quĩ đạo của nó sẽ mang nó quay trở lại vùng lân cận hành tinh chúng ta trong tương lai. Chuyển động tương lai của tiểu hành tinh sẽ được theo dõi cẩn thận, dù vậy chưa có nguy cơ va chạm nào được xác nhận.

Để xem chính xác quĩ đạo của 2014 RC, xin mời vào địa chỉ sau:
http://ssd.jpl.nasa.gov/sbdb.cgi?sstr=2014+RC&orb=1

Bryan (VACA)
Theo Space Daily