Thật may mắn cho một người dạo khi nhặt được một tờ dollar rơi ven đường. Điều may mắn hiếm hoi theo cách đó đã tới với các nhà thiên văn học châu Âu khi họ nhìn vào đúng vị trí và chính xác thời điểm khi một ngôi sao đang bị xé nát bởi một lỗ đen khổng lồ.
Phát hiện thú vị này được thực hiện bởi đài quan sát tia X đang chuyển động trên quĩ đạo XMM-Newton của cơ quan không gian châu Âu (ESA). Thực tế đã có tới hai lỗ đen được phát hiện. Đây là cặp lỗ đen siêu nặng đầu tiên được phát hiện trong một thiên hà bình thường. Thiên hà bình thường, hay thiên hà "yên lặng" - đối nghịch với thiên hà hoạt động, là các thiên hà đã không còn sự tạo thành sao.
Các lỗ đen được xác định dễ hơn ở các thiên hà hoạt động. Tìm thấy chúng ở các thiên hà bình thường đòi hỏi phải có may mắn. Trong khi các lỗ đen ở thiên hà hoạt động không ngừng nuốt lấy các đám mây khí và vật chất của sao, kết quả là phát ra các tia X có thể được phát hiện, thì điều đó ít thường xuyên hơn nhiều ở các thiên hà bình thường.
Hiện nay, cách duy nhất để tìm thấy một lỗ đen bình thường là dựa vào việc xảy ra của cái gọi là "Sự phá vỡ thủy triều", chẳng hạn như việc nuốt lấy một ngôi sao như XMM-Newton đã chứng kiến.
Điều làm cho khám phá này đặc biệt hơn nữa là hai lỗ đen đã được phát hiện cùng nhau, chuyển động quanh nhau - kết quả của sự hợp nhất hai thiên hà.
Các nhà khoa học hi vọng rằng đây chỉ là một trong số nhiều khám phá tương tự sẽ tới.
"Có thể có hàng đống thiên hà yên lặng chứa những lỗ đen kép trong trung tâm của chúng," nhà thiên văn Stefanie Komossa ở Hiệp hội Max Planck - Đức giải thích.
Với những phân tích sâu hơn về lỗ đen kép, các nhà khoa học hi vọng tìm hiểu xem các thiên hà sáp nhập với nhau như thế nào và tốc độ ra sao. "Một khi chúng tôi xác định được hàng nghìn vụ phá vợ thủy triều, chúng tôi có thể bắt đầu suy ra số liệu về tốc độ sáp nhập của các thiên hà", Komossa nói.
Cuối cùng, hai lỗ đen sẽ hợp nhất và kết quarlaf một vụ bùng nổ năng lượng lớn. Vụ hợp nhất cuối cùng sẽ là nguồn sóng hấp dẫn mạnh nhất mà vũ trụ từng chứng kiến.
Chi tiết về lỗ đen kép siêu nặng sẽ được công bố trong tháng tới trên Astrophysical Journal.
Bryan (VACA)
Theo Space Daily