Như chúng ta đã biết, Thiên Văn Học là một môn Khoa học chuyên nghiên cứu về các vật thể vũ trụ; các hiện tượng có nguồn gốc bên ngoài khí quyển Trái Đất; sự phát triển, tính chất vật lí - hóa học và các chuyển động của các vật thể cũng như sự hình thành và phát triển của vũ trụ đã ra đời từ rất sớm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thuật ngữ "Thiên Văn Học" chỉ mới được biết đến rộng rãi trong vài năm trở lại đây. Và có không ít người vẫn hiểu sai các thuật ngữ khác trong bộ môn khoa học này, chẳng hạn như "sao" - "chòm sao" hay "sao" - "hành tinh".... Thậm chí nhiều người còn không biết rằng "Mặt Trời là một ngôi sao".
Cách đây 4 năm, tôi vẫn chưa phân biệt được đâu là sao và đâu là hành tinh. Lúc đó, tôi cũng giống như nhiều người, chỉ hiểu mập mờ cái thuật ngữ Thiên Văn Học là một ngành học nghiên cứu về các ngôi sao trên bầu trời. Tôi không biết cơ duyên nào đã đưa tôi đến với môn khoa học này, tôi đã tìm hiểu rất rất nhiều sách trên thư viện, trên nhà sách cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Dần dần, cái tình yêu ấy - cái đam mê khám phá Thiên Văn trong tôi ngày càng lớn. Chính môn khoa học này đã cho tôi biết được thế nào là sự đam mê, sự thích thú thật sự về một cái gì đó. Và cũng chính môn này đã cho tôi biết được tính chất cũng như đặc điểm của mỗi hành tinh, của sao chổi; cho tôi biết được vì sao có ngôi sao lại mang trong mình ánh sáng đỏ, có sao lại màu lục hay màu vàng, có sao lại rất mờ nhạt trong khi có nhiều ngôi sao lại rất sáng (như Sirius, Canopus,...); cho tôi biết được lỗ đen, lỗ trắng và các hiện tượng Thiên Văn khác như cực quang, nhật thưc, nguyệt thực, trăng quầng, trăng tán.... Tôi không dám nói cái hiểu biết của tôi về Thiên Văn được tốt, bởi Vũ trụ là vô hạn và tất cả hiểu biết cũng chỉ là tương đối. Như Einstein từng nói: "Nếu như tưởng tượng rằng những gì chúng ta biết là một hình tròn thì những gì ngoài vòng tròn đó thật lớn biết bao"
Tôi là những người thuộc thế hệ đi sau, những gì tôi biết được đều được thừa hưởng bởi thế hệ đi trước để lại. Tôi rất thần tượng Copernicus - người đã nêu ra thuyết Nhật Tâm Hệ của Hệ Mặt Trời, cùng với các nhà khoa học khác như Galilei, Kepler, Hawking,.... Tôi là người đi sau, tôi rất mong muốn mình sẽ cảm thụ được hết tất cả những gì thế hệ trước đã tìm ra, cố gắng phát triển thêm và truyền đạt lại cho thế hệ sau hơn nữa. Bên cạnh việc cố gắng cảm thụ, truyền đạt, tôi vẫn luôn mong mình sẽ khám phá ra một cái gì đó để ngành Thiên Văn nước nhà phát triển hơn. Và tôi luôn ước ao, sẽ có một ngày mình được ngồi trên con tàu vũ trụ, được làm việc chung với các bậc đàn anh, đàn chị, các nhà khoa học khác để cái hiểu biết của tôi được mở rộng hơn. Tôi cũng muốn môn khoa học này được đưa vào chương trình giảng dạy ở các bậc học cùng các môn khoa học khác như Vật Lí hay Hóa Học, Sinh Học,...
Hôm nay được đến với cuộc thi này, tôi không mong mình được nhận giải, dù nếu được thì đó là một vinh dự lớn với tôi, bởi có nhiều người còn giỏi hơn tôi gấp nhiều lần. Tôi đến với cuộc thi này, đó là một điều rất vui, rất hạnh phúc vì ở đây có những bậc đàn anh, đàn chị và các bạn Thiên Văn, là dịp để tôi có thể nói những gì mình nghĩ cũng như những hiểu biết của mình về môn khoa học này. TÔI YÊU THIÊN VĂN! Và, nếu có dịp, tôi rất muốn được thảo luận nhiều hơn nữa để được học hỏi thêm về môn khoa học thú vị này.
Lê Thị Hồng Liên
VACA: Bài viết trên của bạn Lê Thị Hồng Liên, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Khánh hòa gửi tới dự thi cuộc thi viết về thiên văn học do Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) tổ chức nhân kỉ niệm 12 năm thành lập VACA (29/03/2002 - 29/03/2014). Bài viết đã được giải nhất trong cuộc thi này. Chúng tôi xin giới thiệu cùng các độc giả trẻ tuổi.