Sự sống trên Trái Đất đã được khởi đầu nhờ có một khoáng chất cốt yếu mang tới bởi một thiên thạch đến từ Sao Hỏa, theo một nghiên cứu mới được công bố hôm thứ năm ngày 29 tháng 8 vừa qua.
Thành phần quan trọng ở đây là khoáng chất đã được oxy hóa của molybden (42Mo), có tác dụng ngăn không cho các phân tử carbon - những viên gạch xây nên sự sống - phân hủy và biến đổi thành dạng nhớt giống như nhựa đường.
Ý tưởng này đến từ Steven Benner, giáo sư Viện khoa học và công nghệ Westheimer ở Gainesville, Florida - người đã trình bày nó tại một hội nghị địa hóa học quốc tế ở Florence, Italy.
"Chỉ khi molybden bị oxy hóa mạnh nó mới gây ảnh hưởng tới sự hình thành sự sống ban đầu", Benner nói trong một thông cáo báo chí, "Dạng này của molybden không thể tồn tại trên Trái Đất vào thời điểm sứ sống bắt đầu, vì ba tỷ năm trước về mặt Trái Đất có rất ít oxy, nhưng Sao Hỏa thì lại có nhiều.".
Trong giai đoạn "bạo lực" này của Hệ Mặt Trời, Trái Đất sơ sinh bị tấn công liên tiếp bởi các sao chổi và tiểu hành tinh.
Sao Hỏa cũng vậy, nó đã bị "dội bom", và các va chạm hẳn đã ném một đống những mảnh vỡ của hành tinh nào vào không gian, nơi chúng nán lại cho tới khi bị lực hấp dẫn của Trái Đất tóm lấy.
Các phân tích gần đây về thiên thạch của Sao Hỏa đã cho thấy sự có mặt của molybden, cũng như bo (5B), một nguyên tố cũng tham gia việc tạo thành sự sống qua việc bảo vệ RNA - một anh em nguyên thủy của DNA - từ những tác động ăn mòn của nước.
"Bằng chứng này có vẻ như cho thấy chúng ta thật ra là những người Sao Hỏa, sự sống đã bắt đầu ở Sao Hỏa và tới Trái Đất trên một tảng đá", Benner nói, "Thật may mắn vì chúng ta đã dừng chân ở đây, Trái Đất là nơi tốt hơn trong số hai hành tinh có thể hỗ trợ sứ sống. Nếu như tổ tiên của chúng ta (theo lý thuyết này) đã ở lại Sao Hỏa, thì có lẽ đã không có một câu chuyện để kể lại lúc này."
Các lý thuyết khác về việc sự sống đã bắt đầu trên Trái Đất ra sao gợi ý rằng nước, yếu tố thiết yếu, đã được mang tới từ các sao chổi, thường được gọi là "những bóng tuyết bẩn" (dirty snowball), gồm băng và bụi sót lại từ sự tạo thành Hệ Mặt Trời.
Một giả thuyết khác, gọi là panspermia, gợi ý rằng vi khuẩn đã nằm ngay trên các thiên thạch bắn phá Trái Đất, chúng rơi xuống đại dương và phát triển thành sự sống ngày nay.
Bryan (VACA)
Theo Space Daily