Một cặp sao mới được phát hiện là hệ sao gần Mặt Trời thứ ba, theo một nghiên cứu sẽ được công bố trong tạp chí Astrophysical Journal Letters. Cặp sao này là hệ sao gần nhất tìm được từ 1916. Người khám phá ra cặp sao là Kevin Luhman, một giáo sư thiên văn học và vật lý thiên văn tại Đại học bang Pennsylvania và một nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu Hành tinh và Các thế giới có thể có sự sống của bang Penn.
Cả hai ngôi sao trong hệ sao mới này là những sao lùn nâu, những ngôi sao có khối lượng quá bé để có thể có đủ nhiệt độ cho phản ứng kết hợp hidro. Vì vậy, chúng rất lạnh và mờ, giống với một hành tinh lớn như Sao Mộc hơn là với một ngôi sao sáng như Mặt Trời.
“Khoảng cách tới cặp sao lùn nâu này là 6,5 năm ánh sáng – gần tới mức tín hiệu truyền hình của Trái Đất từ năm 2006 có thể đã tới đây,” theo lời của Luhman. “Đây sẽ là một địa điểm hấp dẫn để tìm kiếm các hành tinh vì nó rất gần Trái Đất, vậy nên chúng ta có thể quan sát dễ hơn nhiều bất cứ hành tinh nào quay quanh một trong hai sao lùn nâu.” Vì nó là hệ sao gần thứ ba, trong tương lai gần nó có thể là địa điểm đầu tiên cho những chuyến thám hiểm ngoài Hệ Mặt Trời, theo lời của Luhman.
Hệ sao này được đặt tên là "WISE J104915.57-531906" vì nó được tìm thấy trong một bản đồ của toàn bộ bầu trời thu được từ vệ tinh Thăm dò thám hiểm hồng ngoại tầm rộng (WISE) của NASA. Nó chỉ xa hơn ngôi sao gần thứ hai một chút – sao Barnard, được tìm thấy vào năm 1916 cách Trái Đất 6,0 năm ánh sáng. Hệ sao gần nhất gồm có Alpha Centauri, được tìm thấy vào năm 1839 cách Mặt Trời 4.4 năm ánh sáng, và sao Proxima Centauri mờ hơn tìm thấy năm 1917, cách 4.2 năm ánh sáng.
Edward (Ned) Wright, nhà nghiên cứu chính của WISE, phát biểu “Một mục đích chính khi đề xuất WISE là để tìm ra những ngôi sao gần Mặt Trời nhất. WISE 1049-5319 cho tới giờ là ngôi sao gần nhất được tìm thấy sử dụng các dữ liệu của WISE, và các bức hình cận cảnh của hệ sao này có thể được chụp bởi các kính thiên văn lớn như Gemini và Kính thiên văn không gian sắp hoàn thiện James Webb sẽ cho chúng ta biết thêm rất nhiều về các ngôi sao khối lượng nhỏ, được gọi là các sao lùn nâu.” Wright là người giữ ghế David Saxon về Vật lý và là giáo sư vật lý - thiên văn tại UCLA.
Các nhà thiên văn học từ lâu đã đề xuất về sự tồn tại của một vật thể xa và mờ quay quanh Mặt Trời, đôi khi được gọi là Nemesis. Tuy nhiên, Luhman đã kết luận, “Chúng ta có thể loại bỏ khả năng hệ sao lùn nâu mới này là một vật thể như vậy vì nó di chuyển quanh bầu trời quá nhanh để có thể quay quanh Mặt Trời.”
Để tìm ra hệ sao mới này, Luhman đã nghiên cứu các bức ảnh bầu trời được chụp bởi vệ tinh WISE trong suốt 13 tháng, kết thúc vào 2011. Trong đợt chụp ảnh này, WISE quan sát mỗi điểm trên bầu trời 2 đến 3 lần. “Trong những tấm hình chụp theo quãng thời gian này, tôi có thể thấy hệ sao này di chuyển rất nhanh quanh bầu trời – một gợi ý là nó có thể rất gần Hệ Mặt Trời của chúng ta,” Luhman nói.
Sau khi quan sát được chuyển động nhanh của nó trong những bức hình WISE, Luhman đã đi tìm kiếm hệ sao tình nghi này trong các cuộc khảo sát bầu trời khác. Ông đã khẳng định rằng hệ sao này đã được dò thấy trong những bức hình chụp từ 1978 đến 1999 từ Cuộc khảo sát bầu trời số hóa, Cuộc khảo sát toàn bộ bầu trời 2 micron, và cuộc khảo sát hồng ngoại Bầu trời phía Nam. “Dựa vào cách hệ sao này di chuyển trong những bức hình từ WISE, tôi có thể dự đoán ngược lại quá khứ để xem nó có thể ở đâu trong những cuộc khảo sát bầu trời khác, và tôi đã đúng,” Luhman nói. Bằng cách kết hợp dấu hiệu của hệ sao trong nhiều cuộc khảo sát, Luhman đã có thể đo được khoảng cách của nó bằng phép thị sai, sự dịch chuyển của một ngôi sao trên bầu trời gây ra bởi sự chuyển động quanh Mặt Trời của Trái Đất. Sau đó, ông sử dụng Kính thiên văn Nam Gemini tại Cerro Pachón, Chile để thu được quang phổ của nó, từ đó biết được nó có nhiệt độ rất thấp, và vì vậy phải là một sao lùn nâu. “Như một bất ngờ kèm theo, những bức hình rõ nét từ Gemini cho thấy vật thể này không phải là một mà thực ra là một cặp sao nâu quay quanh nhau,” Luhman nói. “Tôi đã phải suy luận rất nhiều,” ông phát biểu. “Có hàng tỉ những điểm ánh sáng hồng ngoại trên bầu trời, và bí ẩn là điểm nào – nếu có bất cứ điểm nào – có thể là một ngôi sao gần với Hệ Mặt Trời của chúng ta.
Quỳnh Chi (VACA)
Theo Science Daily