Chúng ta đều biết dương lịch có tất cả 12 tháng. Mỗi tháng trong số này đều có từ 30 đến 31 ngày, trừ tháng 2 chỉ có 28 ngày (29 ngày nếu là năm nhuận). Gần đây nhân đang giữa tháng hai, tôi có nhận câu hỏi của một số độc giả thắc mắc về lý do tháng 2 lại ngắn ngủi như vậy. Dưới đây là vài lời giải thích.
Chúng ta dễ thấy rằng chỉ cần lấy bớt hai ngày của hai tháng 31 ngày nào đó bù vào là tháng 2 sẽ có 30 ngày và không bị quá chênh lệch với các tháng khác. Mặc dù vậy người ta vẫn giữ tháng 2 chỉ có 28 ngày. Lý do của việc này là sự giữ nguyên cách tính lịch của người La Mã trước kia.
Dương lịch mà chúng ta dùng ngày nay, được gọi chính xác là lịch Gregory, do Giáo Hoàng Gregory XIII đưa vào sử dụng từ năm 1582. Lịch này trên thực tế là hiệu chỉnh lại lịch Julius, do Julius Caesar ban hành và sử dụng từ năm 45 trước Công Nguyên.
Vào trước thời điểm lịch Julius được sử dụng, trong lịch của người La Mã chỉ có các tháng tương ứng với từ tháng 3 tới tháng 12 ngày nay. Với người La Mã trước đó, giai đoạn tương ứng với tháng 1 và tháng 2 ngày nay quá lạnh giá nên không có ích lợi gì cho làm nông nghiệp cũng như những cuộc chinh phạt, và do đó không cần phải được đặt tên và đưa vào lịch. Vì lý do này, ban đầu tháng đầu tiên của năm là tháng 3 và kết thúc là tháng 12. Trong ngôn ngữ của người La Mã cũng như các quốc gia châu Âu tới tận ngày nay thì các tháng có tên riêng chứ không đánh số như tiếng Việt, nên điều này không có gì mâu thuẫn, và chúng ta có thể để ý thấy rằng trong các ngôn ngữ châu Âu thì các tháng từ 9 tới 12 có phần đầu lần lượt là Septem, Octo, Novem và Decem - có nghĩa là tháng từ 7, 8, 9 và 10.
Khi Julius Caesar thiết lập lại lịch để phù hợp với chu kỳ chuyển động của bầu trời - cụ thể là chu kỳ biểu kiến của Mặt Trời mà các nhà thiên văn cổ quan sát được, ông đưa vào hai tháng nằm giữa tháng 12 và tháng 3, đồng thời đặt tên tháng 7 theo tên của mình là Julius (trước đó tháng 7 tên là Quintilis, nghĩa là tháng thứ 5) - ngày nay ta vẫn có thể thấy được cái tên này dưới dạng biến thể trong các ngôn ngữ châu Âu (tiếng Anh: July, tiếng Pháp: Juillet, ...). Vào thời điểm này, tháng 1 có 31 ngày còn tháng 2 có 29 ngày đối với năm thông thường và 30 ngày đối với năm nhuận (vì được đưa vào sau cùng, và chu kỳ năm cần phải khớp với chu kỳ biểu kiến của Mặt Trời nên nó không thể có nhiều ngày hơn).
Sau Julius Caesar, người kế nhiệm ông là hoàng đế Augustus - người thành lập đế chế La Mã. Augustus lấy tên của mình đặt cho tháng tiếp sau của tháng 7 (Julius). Tháng này được đổi tên từ Sextilis (tháng thứ 6) thành tháng Augustus. Tuy nhiên vì tháng 7 có 31 ngày mà tháng 8 lại chỉ có 30 ngày, khiến vị hoàng đế này không hài lòng với việc thua kém Julius Caesar. Và vì số ngày trong năm không thể thay đổi, ông đã lấy ngày cuối cùng của thàng 2 để đưa sang tháng 8, khiến cho tháng 2 chỉ có 28 ngày đối với năm thông thường và 29 ngày đối với năm nhuận. Điều này cũng giải thích tại sao chúng ta thấy các tháng 30 và 31 ngày xen kẽ nhau, nhưng riêng tháng 7 và tháng 8 lại là hai tháng liên tiếp có 31 ngày.
Đặng Vũ Tuấn Sơn
Đọc thêm bài "Ý nghĩa của tên các tháng trong năm".