Giống như tìm thấy một  cây kim bạc giữa không gian, Kính thiên văn không gian Hubble của NASA/ESA đã chụp được một bức ảnh tuyệt  đẹp của thiên hà xoắn IC 2233, một trong những thiên hà phẳng nhất từng biết.

Các thiên hà xoắn điển hình như Milky Way (thiên hà của chúng ta) thường gồm ba thành phần chủ yếu: phần đĩa tập trung các cánh tay xoắn và hầu hết các khí và bụi, phần quầng (halo) – một quả  cầu thưa và thô quanh đĩa chứa các khí, bụi và  các ngôi sao đang hình thành, và chỗ phình ra ở trung tâm phần đĩa, tập trung các ngôi sao cổ bao quanh Trung tâm Thiên Hà.

Tuy nhiên, IC 2233 lại khác hẳn với khuôn mẫu này. Đây là một ví dụ quý giá của một thiên hà siêu mỏng, nơi đường kính thiên hà lớn hơn ít nhất là 10 lần so với độ dày. Các thiên hà này gồm có một đĩa có các ngôi sao khi được nhìn từ vành đai. Kiểu định hướng này khiến chúng là một chủ đề nghiên cứu hấp dẫn với các nhà khoa học, vì chúng cung cấp cho chúng ta những góc nhìn mới về các thiên hà xoắn. Một đặc tính quan trọng của dạng thiên hà này là chúng có độ sáng rất yếu và hầu như tất cả đều không có phần phình ở giữa.

Màu xanh nhìn thấy quanh phần đĩa cho chúng ta bằng chứng về bản chất xoắn của thiên hà này, khẳng định sự tồn tại của các ngôi sao trẻ, nóng và sáng, được sinh ra từ những đám mây các khí vũ trụ. Hơn nữa, không giống như các thiên hà xoắn thông thường, IC 2233 không có một đường bụi rõ ràng nào. Chỉ có một dải nhỏ có thể được nhận dạng ở phần giữa cả trên và dưới mặt giữa của thiên hà.

Nằm trong chòm sao Lynx (Mèo rừng), IC 2233 cách Trái  Đất 40 triệu năm ánh sáng. Thiên hà này được nhà thiên văn học người Anh Isaac Roberts phát hiện năm 1894.

Bức ảnh này được chụp với Máy  ảnh cao cấp của Hubble, kết hợp hình ảnh và các dữ liệu hồng ngoại. Khoảng nhìn thấy của bức ảnh này là xấp xỉ 3,4 x 3,4 phút (góc).

Quỳnh Chi (VACA)
Theo Science Daily