Tôi có nhận được câu hỏi của một bạn trẻ hỏi rằng khi đọc tài liệu tiếng Anh, bạn thấy có hai thuật ngữ khó phân biệt là "constellation" và "asterism". Tôi nghĩ đây cũng là thắc mắc của nhiều độc giả yêu thiên văn khác, và hơn nữa quả thật cũng nên diễn giải ra để tránh một số nhầm lẫn về cách gọi tên và cách hiểu về các chòm sao.

 

Trong tiếng Việt chúng ta vẫn dịch "constellation" là chòm sao, tuy nhiên chưa có bất cứ tài liệu nào dùng một từ phù hợp cho khái niệm "asterism". Một số tài liệu, sách báo trong nước để tiện vẫn gọi khái niệm này là chòm sao, không hiểu do không tìm được thuật ngữ phù hợp hay do chính người viết cũng chưa phân biệt được rõ. Trong bài viết này, tôi xin tạm dịch thuật ngữ "asterism" này là "nhóm sao" (mặc dù thông thường về phía cá nhân thì tôi không thích dịch các thuật ngữ dễ gây hiểu nhầm về ý nghĩa khi đưa sang tiếng Việt).

Trên thực tế sự khác nhau của hai khái niệm này là khá quan trọng trong thiên văn học quan sát, nhất là khi đối chiếu các qui ước của thiên văn hiện đại với các qui ước hay thói quen cũ. Tiếc rằng ở Việt Nam việc không phân biệt hai khái niệm trong nhiều năm đã gây ra rất nhiều nhầm lẫn, làm mất đi tính chính xác của thông tin đến vơi người muốn học tập và tìm hiểu về thiên văn học. Trong bài viết này tôi xin nêu ra những định nghĩa và so sánh ngắn gọn và chính xác để độc giả có thể có một cái nhìn tổng quát và chính xác hơn về sự phân định các khái niệm về thiên cầu.

Nhóm sao (Asterism) là một khái niệm tổng quát hơn, nó chỉ tất cả nhóm các ngôi sao bất kì với những đường nối tưởng tượng tạo thành một hình ảnh bất kì. Những hình ảnh tạo thành bởi các ngôi sao này có thể của một nền văn hóa lớn nào đó, cũng có thể từ một cách phân chia của một tác giả bất kì, hay thậm chí chỉ là qui ước vui cho chính mình trong trí tưởng tượng của các em nhỏ.

 


Hình ảnh minh họa, chòm sao Scorpius (Bọ Cạp) và Sagittarius (Cung Thủ) trước và sau khi có đường nối tưởng tượng



Như chúng ta đã biết, số lượng sao trên thiên cầu mà con người nhìn bằng mắt thường được trong một đêm chỉ có hơn 6000 sao (nếu điều kiện lý tưởng), và khoảng 20000 sao nếu tính tổng số sao có thể nhìn thấy trong suốt một năm. Nói cách khác dễ hiểu hơn, là toàn bộ bầu trời trên đầu chúng ta gần như là cố định (có thay đổi do chuyển động của Hệ Mặt Trời quanh tâm thiên hà và sự sinh ra/chết đi của một số ngôi sao những rất rất nhỏ), có nghĩa là dù ở bất cứ khu vực nào, nền văn hóa nào và ... trí tưởng tượng nghèo nàn hay phong phú thì số sao trên thiên cầu và sự sắp xếp chúng luôn là như nhau với người quan sát.

Khi một người quan sát bằng trí tưởng tượng của mình tự nối các ngôi sao sáng tương đối gần nhau lại và gán cho chúng một hình ảnh nào đó cụ thể, nhóm các ngôi sao đó trở thành một "asterism".

Ban đầu, khi loài người chưa phát triển, nhận thức của nhân loại chỉ phụ thuộc vào một số nhà khoa học nhất định, các nhóm sao được nối lại này cũng hầu hết thuộc về các nhà tư tưởng, nhà khoa học có tiếng (vì dân thường tự nghĩ ra thì rồi cũng bị quên lãng và không được chấp nhận), nên các "asterism" này được gọi chung là các chòm sao (constellation).

Tuy nhiên, cho tới đầu thế kỉ 20 khi qui ước và sự phân chia các chòm sao được các nhà thiên văn thống nhất thì khái niệm chòm sao (constellation) trở nên chặt chẽ hơn.

Theo qui ước hiện đại, chòm sao (constellation) không chỉ là các đường nối tưởng tượng giữa các ngôi sao sáng, mà mỗi chòm sao đại diện cho một vùng trời nó chiếm chỗ. Theo qui ước chung của toàn thế giới hiện nay, danh sách các chòm sao của chúng ta gồm có 88 chòm sao, chúng chia thiên cầu thành 88 vùng trời có diện tích và hình dạng khác nhau. Bất cứ ngôi sao nào (kể cả các sao sau này được phát hiện thêm qua các kính thiên văn) thuộc một vùng trời của một chòm sao nhất định đều được tính là thành viên của chòm sao đó.

Theo qui ước hiện đại, các chòm sao vẫn là những đường nối tưởng tượng, nhưng còn đi kèm với vùng trời của riêng chúng.



Như vậy, chòm sao (constellation) là một tập hợp con của nhóm sao (asterism), và trong khoa học thiên văn ngày nay, chỉ có danh sách chòm sao là được công nhận chính thức.

Như đã định nghĩa phía trên, nhóm sao (asterism) có thể do bất cứ ai từ bất cứ nền văn hóa nào và bất cứ lứa tuổi, ngành nghề nào tưởng tượng ra, nên số lượng của chúng đương nhiên là vô hạn, dưới đây tôi xin nêu vài ví dụ tiêu biểu về các nhóm sao (asterism) thường bị hiểu nhầm ở Việt Nam ta.

1. Nhóm 7 ngôi sao sáng phía Bắc hợp thành hình một cái ghế (hay một số người thấy giống cái gầu nước) thuộc chòm sao Ursa Major (Gấu lớn/Đại hùng) tương ứng với một chòm sao phương Đông là Bắc Đẩu. Nhiều người nhầm rằng Bắc Đẩu và Gấu Lớn là một, song thực tế đó là nhận định sai, vì chòm sao Ursa Major có rất nhiều sao và chiếm một vùng trời rộng hơn Bắc Đẩu của phương Đông rất nhiều, 7 ngôi sao của Bắc Đẩu chỉ là những sao sáng nhất của nó. Trong văn hóa phương Tây, người ta cũng có một khái niệm chỉ 7 ngôi sao này, gọi là Big Dipper. Big Dipper và Bắc Đẩu thì mới trùng nhau, và ngày nay chúng là asterism chứ không phải constellation.

Chỉ có 7 ngôi sao sáng nhất nối bằng nét đậm như hình trên là Big Dipper/Bắc Đẩu, còn toàn bộ chòm sao này là Ursa Major (Gấu lớn hay Đại Hùng)

 

2. Cụm sao M45, còn có tên riêng là Pleiades chiếm một vùng khá lớn trên bầu trời, nó là cụm sao có thể nhìn rõ nhất bằng mắt thường. Một số tài liệu Việt Nam dịch nó là "chòm sao thất tinh", đây cũng là một cách dịch gây hiểu nhầm, vì nó không được công nhận trong danh sách 88 chòm sao của thiên văn học hiện đại ngày nay. Về mặt phân loại thiên thể, nó là một cụm sao (star cluster) - một khu vực có nhiều sao liên kết trực tiếp với nhau bởi hấp dẫn, còn về mặt biểu kiến thì nó cũng là một nhóm sao (asterism).

3. Nhóm sao Thần Nông, gồm phần lớn các sao thuộc chòm sao Scorpius (Bọ Cạp) và một số sao thuộc chòm sao Centaurus (Nhân Mã). Ở Việt Nam nhiều tài liệu dịch sai chòm sao Scorpius (một trong số các chòm sao Hoàng Đạo) thành Thần Nông, trong khi các sao của chúng không trùng nhau. Thần Nông chỉ là một nhóm sao do người Việt cổ trước đây hay gọi, vì các sao không tương ứng nên nó không tương ứng với Scorpius (Bọ Cạp), vì vậy nó chỉ là một nhóm sao (asterism) chứ không phải một chòm sao, và vì thế tất nhiên không thể nói nó thuộc Hoàng đạo.

** Ngoài ra, thiên văn học cổ phương Đông trước đây (mà đóng góp chính là Trung Quốc) đã đặt ra qui ước rất nhiều về các "chòm sao", nổi tiếng nhất mà nhiều người biết tới là 28 'chòm ao' thuộc nhóm nhị thập bát tú. Ngày nay với sự tôn trọng tối đa cho văn hóa phương Đông, cũng như để hạn chế việc thay đổi cách gọi không cần thiết, chúng ta vẫn có thể gọi các nhóm sao được thừa nhận rộng rãi ở phương Đông là "chòm sao", tuy nhiên bạn cũng nên biết rằng trong các văn bản thiên văn học chính thống thì chúng chỉ là các nhóm sao (asterism)

Tất nhiên còn rất nhiều ví dụ nữa mà tôi không thể kể ra hết. Bản thân bạn, nếu muốn bạn cũng có thể cho phép mình tự nối các ngôi sao và tưởng tượng ra các hình ảnh trên bầu trời, đó là các nhóm sao (asterism) của riêng bạn.

Hi vọng sau khi đọc bài viết này, bạn đã có một cái nhìn tống quát và chính xác hơn về khái niệm chòm sao.

Tháng 11 năm 2012
Đặng Vũ Tuấn Sơn

Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn Thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng bài viết này!

Đọc thêm bài: Vài điều về cách sử dụng ngôn từ trong thiên văn học