Mưa sao băng Perseids (Perseids meteor shower), trận mưa sao băng lớn nhất trong năm đang chờ đợi những người thích quan sát bầu trời vào tháng 8 này. Với sự hỗ trợ của thời tiết, chúng ta sẽ có cơ hội rất lớn để quan sát hiện tượng thú vị này.
Nguồn gốc và độ lớn
Cùng với mưa sao băng Geminids giữa tháng 12, Perseids là 1 trong 2 trận mưa sao băng lớn nhất hàng năm trên khí quyển của chúng ta. Nguồn gốc của trận mưa sao băng này là sao chổi Swift–Tuttle, một sao chổi phát độc lập bởi Lewis Swift và Horace Parnell Tuttle năm 1862 và đã quay lại năm 1992. Những gì để lại của sao chổi đường kính 27km này khi nó đi ngang quĩ đạo Trái Đất là một đám lớn các mảnh thiên thạch nhỏ. Hàng năm vào tháng 8 khi Trái Đất đi qua khu vực quĩ đạo chứa đám thiên thạch này, một phần trong số chúng lao vào khí quyển Trái Đất, cọ xát với không khí và bốc cháy tạo thành các vệt sáng mà ta gọi là sao băng.
Tại cực điểm của mình, mưa sao băng Perseids cho phép bạn có thể quan sát hơn 70 hay thậm chí 100 sao băng mỗi giờ, một phần không nhỏ trong số đó là sao băng dài và sáng.
Trên thực tế, các sao băng của trận mưa sao băng này xuất hiện kéo dài suốt từ 23 tháng 7 tới 22 tháng 8, tuy nhiên chỉ ở mật độ khá nhỏ, trừ thời gian cực điểm là đêm 12 và 13 tháng 8.
Quan sát
Trong thời gian những ngày vừa qua, thời tiết tại phần lớn lãnh thổ Việt Nam khá thất thường, có những ngày nắng nóng kéo dài xen lẫn những đợt mưa dai dẳng. Do đó chúng ta chỉ còn cách chờ đợi đến ngày cực điểm của trận mưa sao băng này. Nếu thời tiết cho phép, tức là ngày 12 và 13 tháng 8 này sẽ là những ngày nắng, như trên đã nói, đây sẽ là 1 trong số 2 trận mưa sao băng lớn nhất trong năm mà bạn có thể quan sát.
Thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này là vào tối 12, rạng sáng 13 tháng 8 (bạn cũng có thể quan sát vào tối 13, rạng sáng ngày 14).
Khác với năm ngoái 2011, năm nay người quan sát có một thuận lợi rất lớn, đó là rất ít bị cản trở bởi ánh sáng từ Mặt Trăng. Tối 12 tháng 8 tới tương ứng với ngày 25 trong tháng âm lịch. Do vậy Mặt Trăng có độ sáng nhỏ và mọc lên rất muộn, tới 1h30 sáng mới bắt đầu ló khỏi chân trời. Vì lí do này, khoảng thời gian phù hợp nhất trong 2 đêm nêu trên để bạn có thể quan sát các sao băng của Perseids là từ 23h30 (khi chòm sao Perseus bắt đầu mọc lên) tối cho tới 1h30 sáng.
Hãy hướng cái nhìn của bạn về bầu trời phía Đông, Đông Bắc nơi chòm sao Perseus mọc lên như hình dưới đây, đó là nơi tập trung hầu hết các sao băng của trận mưa sao băng này.
Chòm sao Perseus vào thời điểm 00h30 ngày 13 tháng 8 năm 2012, Hình ảnh chụp từ phần mềm Stellarium
Mặc dù chòm sao Perseus là tâm điểm của hầu hết các sao băng, nhưng nếu việc thức khuya có thể gây mệt mỏi cho bạn, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu quan sát trận mưa sao băng này từ trước khi Perseus mọc lên (từ 19 hay 20h tối) với mật độ sao băng thấp hơn.
Một số lưu ý khi quan sát hiện tượng này
- Hãy theo dõi thời tiết trước khi tiến hành buổi quan sát của mình. Một cách dễ dàng là tự kiểm tra bằng cách quan sát bầu trời đêm lúc chưa có sao băng, nếu mắt bạn có thể nhìn thấy các ngôi sao thông thường trên bầu trời thì bạn sẽ có thể thấy được sao băng
- Chọn vị trí có góc nhìn càng rộng càng tốt (nóc nhà, các bãi trống ...), nơi không có ánh đèn mạnh chiếu thẳng vào mắt (đèn đường, đèn các phương tiện giao thông, đèn từ các tòa nhà xung quanh)
- Bạn không cần mang theo bất cứ dụng cụ quan sát nào (kính thiên văn, ống nhòm) vì mắt thường chính là cách quan sát tốt nhất
- Nếu ở tại nhà mình, bạn có thể dùng ghế dài hay bất cứ vật dụng gì cho phép bạn ngả lưng quan sát, vì quan sát sao băng đòi hỏi sự kiên nhẫn mà nếu bạn liên tục ngẩng đầu lên bầu trời sẽ rất nhanh mệt mỏi.
- Đừng quên lưu ý bảo vệ sức khỏe cũng như an toàn cá nhân cho mình, nhất là khi bạn tới những khu vực vắng người để quan sát.
Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) sẽ tổ chức quan sát hiện tượng này. Chúng tôi sẽ có thông tin chi tiết vào giữa tuần này.
Chúc các bạn may mắn!
Đặng Vũ Tuấn Sơn (VACA)