Một nhóm các nhà thiên văn học sử dụng Kính thiên văn không gian Hubble của NASA vừa khám phá ra một vệ tinh khác quay quanh hành tinh lùn băng giá Pluto.
Vệ tinh này được dự đoán là có hình thù không đều và bề ngang khoảng 6 đến 15 dặm. Nó quay trong một quỹ đạo tròn bán kính 58000 dặm xung quanh Pluto, vậy nên vệ tinh này được cho là đồng phẳng với các vệ tinh khác ở trong hệ.
“Các vệ tinh tạo nên một chuỗi các quỹ đạo rất rõ ràng, có phần giống búp bê gỗ của Nga,” theo phát biểu của trưởng nhóm Mark Showalter của Học viện SETI ở Núi View, California.
Phát hiện này đã tăng số lượng các vệ tinh quay quanh Pluto được biết đến lên con số năm.
Nhóm nghiên cứu Pluto rất tò mò vì sao một hành tinh nhỏ như Pluto lại có thể có một hệ thống vệ tinh phức tạp đến vậy. Phát hiện mới này cho chúng ta những manh mối mới để giải thích cách hệ thống Pluto đã hình thành và phát triển. Lí thuyết được số đông công nhận là tất cả các vệ tinh đều là tàn tích từ một vụ va chạm giữa Pluto và một vật thể lớn thuộc Vành đai Kuiper hàng tỉ năm trước đây.
Khám phá mới này sẽ giúp các nhà khoa học trong chương trình tàu không gian New Horizons của NASA qua hệ thống Pluto vào năm 2015, khi tàu không gian này thực hiện một chuyến bay lịch sử và được chờ đợi từ lâu tới không gian xa xôi ngoài kia.
Nhóm đang sử dụng tầm nhìn sắc bén của Hubble để nghiên cứu Pluto và hệ thống của nó, từ đó tìm ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với New Horizons. New Horizons sẽ di chuyển xuyên qua hành tinh lùn này với vận tốc 30.000 dặm/giờ, và có thể dễ dàng bị hư hại nếu bị va chạm với chỉ một mảnh vụn quỹ đạo cỡ một viên đạn BB-shotgun.
“Khám phá về nhiều vệ tinh nhỏ như vậy còn báo cho chúng ta biết sẽ có rất nhiều phần tử nhỏ ẩn giấu trong hệ thống Pluto,” theo phát biểu của Harold Weaver, Phòng thí nghiệm Vật lý áp dụng của Đại học Johns Hopkins của Laurel, Md.
“Các nghiên cứu về hệ thống Pluto chúng ta đang thực hiện với Hubble sẽ giúm nhóm New Horizons thiết kế một quỹ đạo an toàn cho tàu vũ trụ này,” theo phát biểu của Alan Stern, Học viên nghiên cứu Tây Nam tại Boulder, Colorado, người nghiên cứu chính của dự án.
Vệ tinh lớn nhất của Pluto, Charon, được phát hiện năm 1978 nhờ những quan sát từ Đài quan sát Hải quân của Mỹ tại Washington D.C. Các quan sát của Hubble năm 2006 cho biết sự tồn tại của hai vệ tinh nhỏ khác, Nix và Hydra. Năm 2011, một vệ tinh nữa, P4, được Hubble tìm thấy.
Tạm thời được gọi là S/2012 (134340) 1, vệ tinh mới nhất này được nhìn thấy ở 9 chuỗi ảnh riêng biệt được chụp từ Ống kính tầm ngắm rộng của Hubble vào các ngày 26, 27, 29 tháng 6 và ngày 7 và 9 tháng 7.
Trong những năm sau chuyến bay qua Pluto của New Horizons, các nhà thiên văn học dự định sẽ sử dụng phiên bản hồng ngoại của Kính thiên văn không gian James Webb của NASA, theo kế hoạch sẽ thay thế cho Hubble, để tiếp tục quan sát. Kính thiên văn Webb sẽ có thể xác định bản chất hóa học bề mặt của Sao Diêm Vương, các vệ tinh của nó, và các vật thể khác nằm trong Vành đai Kuiper cùng với Sao Diêm Vương.
Các thành viên nhóm nghiên cứu Pluto bao gồm M.Showalter (Học viện SETI), H.A. Weaver (Phòng thí nghiệm Vật lí áp dụng, Đại học Johns Hopkins), và S.A. Stern, A.J. Steffl và M.W. Buie (Học viên nghiên cứu Tây Nam). Kính thiên văn Hubble là một dự án hợp tác quốc tế giữa NASA và Cơ quan Không gian châu Âu. Trung tâm quản lí hàng không Goddard của NASA tại Greenbelt, Md, quản lí kính thiên văn này. Học viên Khoa học kính thiên văn không gian (STScl) ở Baltimore thực hiện các dự án khoa học của Hubble. STScl phục vụ NASA theo quản lí của Công ty hiệp hội các đại học nghiên cứu về thiên văn học, tại Washington D.C.
Quỳnh Chi (VACA)
Theo Science Daily