Mưa sao băng Lyrids đã bắt đầu diễn ra và sẽ đạt cực điểm vào đêm 21 và 22 tháng 4 này. Trận mưa sao băng diễn ra vào đầu tháng âm lịch, không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng của Mặt Trăng. Có vẻ như đây là một điều kiện thuận lợi, tuy nhiên người yêu thiên văn tốt nhất không nên hi vọng nhiều vào trận mưa sao băng này.

 

Mưa sao băng là hiện tượng hàng nghìn hay thậm chí hàng vạn thiên thạch nhỏ lần lượt lao vào khi quyển Trái Đất và cháy sáng khi Trái Đất đi tới vùng quĩ đạo có các đám thiên thạch. Các đám thiên thạch này thường là hậu quả để lại của các sao chổi khi chúng đi qua quĩ đạo của chúng ta. Hàng năm, có tới hơn 10 trận mưa sao băng lớn nhỏ khác nhau diễn ra trong khí quyển của Trái Đất. Lyrids là một trong số các trận mưa sao băng đó, tuy nhiên là một trận sao băng nhỏ với lượng sao băng chỉ vào khoảng 15 tới 20 sao băng mỗi giờ ở thời điểm cực điểm. Với các tỉnh/thành phố có không khí ô nhiễm như một số thành phố lớn ở nước ta thì có lẽ con số 15-20 này chỉ còn tối đa là một nửa, và đó là với điều kiện thời tiết lý tưởng, không một gợn mây...

Hiện nay tại Việt Nam đã có một số nguồn thông tin tuyên bố đây là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất nửa đầu năm 2012. Nhiều cơ quan truyền thông cũng như các độc giả yêu thiên văn cũng đã gọi trực tiếp tới CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam để xác minh thông tin này. Đây là một thông tin không chính xác và dễ gây ra nhiều hiểu nhầm với độc giả yêu thiên văn. Trong nửa đầu năm 2012 này chúng ta có khá nhiều hiện tượng thiên văn hấp dẫn, đặc biệt là việc quan sát các hành tinh trong Hệ Mặt Trời khi chúng nằm ở những vị trí đặc biệt cho người quan sát. Mặt khác một hiện tượng thiên văn năm nào cũng diễn ra tới hơn 10 lần như mưa sao băng, lại là một hiện tượng nhỏ như Lyrids thì sao có thể coi là đáng chú ý?

Tất nhiên, qua bài viết này, chúng tôi không khẳng định rằng sẽ có xem được mưa sao băng Lyrids hay không, mà muốn khuyến cáo các độc giả không nên đặt quá nhiều hi vọng, nhất là ở từ "mưa", nếu thời tiết thật sự đẹp và có đủ kiên nhẫn thì với một chút may mắn trong một đêm có lẽ người quan sát cũng có thể nhìn thấy vài chục sao băng.

Thời gian lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này sẽ là rạng sáng ngày 22 tháng 4 này. Khoảng 1-2h sáng chòm sao Lyra (trung tâm của trận mưa sao băng) sẽ mọc lên khá cao ở hướng Đông và dần dần lên tới rất cao trên thiên cầu, độc giả có thể xem hình dưới đây để dễ xác định chòm sao này. Nó rất dễ nhận ra vì có 4 ngôi sao sáng hợp thành một hình bình hành gần như hoàn chỉnh, bên cạnh đó là một ngôi sao rất sáng khác, đó là sao Vega (Chức Nữ). Còn tất nhiên, nếu bạn không thể nhìn thấy các sao như mô tả thì đồng nghĩa rằng thời tiết không cho phép bạn quan sát hiện tượng này.


Chòm sao Lyra và trung tâm của trận mưa sao băng Lyrids (hình ảnh lấy từ website Space.com)

Đọc thêm bài: Sao băng và mưa sao băng
Các hiện tượng thiên văn có thể quan sát tại Việt Nam năm 2012

Đặng Vũ Tuấn Sơn
(Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn Thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng bài viết này)