Mặc dù không có thông tin chắc chắn về vụ va chạm nào là gần đây nhất của một tiểu hành tinh nào đó với Trái Đất, nhưng có rất nhiều ví dụ về những gì còn sót lại sau va chạm , cụ thể là các lỗ để lại do tác động của vụ va chạm. Tháng 1 năm 2012, một nhóm hợp tác quốc tế đã công bố thành lập có tên là NEOShield (Near Earth Object Shield) với mục đích tính toán trước và bảo vệ Trái Đất khỏi các cuộc tấn công từ vũ trụ bởi các thiên thạch và tiểu hành tinh.
Nhóm hợp tác gồm 13 nhà nghiên cứu từ các viện và tổ chức nghiên cứu, dẫn đầu bởi Alan Harris - nhà nghiên cứu tiểu hành tinh tại Trung tâm hàng không không gian Đức. Mục đích lớn của dự án này là tạo ra các va chạm với tiểu hành tinh để đánh chúng chệch hướng khỏi quĩ đạo có thể gây nguy hiểm cho Trái Đất. Dự án được tài trợ 4 triệu Euro bởi liên minh châu Âu và 1,8 triệu từ các đối tác khác.
Khi các tiểu hành tinh áp sát Trái Đất, chúng thường có tốc độ từ 5 đến 30 km/s.
"Để làm lệch hướng quĩ đạo của chúng, cần có một lực tác động mạnh lên chúng, và tốt nhất là phải đúng thời điểm" - Alan Harris giải thích.
Những ví dụ tiêu biểu về các vụ va chạm có thể kể đến như là miệng núi Barringer ở Arizona với đường kính tới 1200 mét, hay là vụ va chạm năm 1908 tại Tunguska, Siberia đã xới tung hàng triệu cây khỏi mặt đất. Và tất nhiên nhiều tiểu hành tinh nhỏ hơn cũng vấn gây ra những thiệt hại nhất định.
Trong 20 năm gần đây, người ta đã phát hiện ra hàng ngàn thiên thể nhỏ gần Trái Đất (các NEOs). Cứ trung bình khoảng một vài trăm năm thì sẽ có một vụ va chạm lớn của một tiểu hành tinh với Trái Đất. và vấn đề là ở chỗ chúng ta không tính được chính xác chu kì này, do đó rủi ro cho nền văn minh nhân loại vẫn có thể xuất hiện bất cứ khi nào.
Những gì cần biết về NEOs
Điều không thể thiếu để ngăn chặn được các tiểu hành tinh tấn công Trái Đất là phải hiểu về các tính chất vật lý của chúng. Các nhà khoa học tham gia dự án phải tìm hiểu thật kĩ về thành phần và cấu tạo bề mặt của các tiểu hành tinh và sao chổi.
Cho đến nay, đã có hơn 8000 NEO được phát hiện và cứ mỗi tháng lại có thêm khoảng 70 NEO mới được tìm ra.
Cái mà các nhà khoa học cần làm, đó là xác định được mối đe dọa từ các quan sát trên mặt đất, xác định xem một tiểu hành tinh nào đó liệu có thể lao vào khí quyền của Trái Đất hay không và kích cỡ của nó ra sao. Từ đó mới có thể đưa ra những phương pháp khác nhau để ngăn chặn vụ va chạm.
Tác động lên tiểu hành tinh
Một phương pháp được NEOShield nghiên cứu là làm chệch hướng của tiểu hành tinh bằng cách phóng một tàu không gian và cho va chạm với nó.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời xung quanh phương pháp này. Làm sao để một khối cầu phóng lên có thể trúng đích một cách chính xác và ở đúng góc va chạm? Làm thế nào chúng ta tính được chính xác những hiệu ứng sinh ra khi nhiên liệu của tàu va chạm với thiên thể?
Để giải quyết các câu hỏi này, người ta thực hiện các thí nghiệm trong đó bắn phá các mẫu vật chất tương tự như của các tiểu hành tinh. Điều này sẽ cho phép các nhà khoa học rút ra kết luận về hành vi của các tiểu hành tinh trong những va chạm như vậy.
Dùng lực hấp dẫn để thay đổi đường đi
Các nhà khoa học cũng nghiên cứu phương pháp làm chệch hướng các tiểu hành tinh trên đường tới Trái Đất mà không cần trực tiếp tác động vào chúng nếu như chúng có thể được phát hiện nhiều năm trước khi chúng va chạm.
Một tàu không gian được phóng tới gần tiểu hành tinh có thể gây thêm một lưc hấp dẫn đủ làm thay đổi đường đi của tiểu hành tinh. Tuy nhiên sự thay đổi này là nhỏ nên cần tới hàng năm để đủ cho sự thay đổi đáng kể trong quĩ đạo của tiểu hành tinh.
"Tới nay, phương pháp này chỉ tồn tại trên giấy, nhưng nó có thể hoạt động". Nghiên cứu trong 3 năm rưỡi sắp tới sẽ cho biết làm thế nào để chống lại các đe dọa từ các tiểu hành tinh bằng phương pháp lực hấp dẫn.
Vụ nổ trong không gian
Alan Harris chỉ tính tới giải pháp này nếu thời gian là quá gấp gáp. "Nếu một thiên thể nguy hiểm với đường kính lớn tới 1km hoặc hơn, hai phương pháp nêu trên sẽ không thể giải quyết được vấn đề" Harris giải thích.
Mặc dù đến nay chưa có bất cứ kế hoạch cụ thể nào cho phương pháp này, nhưng nó là điều mà các nhà khoa học tính tới trong dự án của mình. Thứ lực mạnh nhất mà người ta có thể tạo ra vào thời điểm này là một vụ nổ hạt nhân, và đó là cái cần được thực hiện trên bề mặt một tiểu hành tinh lớn nếu nó tiến về Trái Đất. Tuy nhiên những hậu quả của vụ nổ như vậy trong môi trường chân không vẫn chưa được kiểm nghiệm và do đó phương pháp này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Đề xuất về các nhiệm vụ không gian
Dữ liệu từ các quan sát tiểu hành tinh và các cuộc thử nghiệm sẽ được tiếp tục đưa vào mô phỏng máy tính. Vào cuối giai đoạn 3 năm rưỡi nữa, chúng ta sẽ không chỉ biết rõ thêm về các tiểu hành tinh và một phương pháp phòng thủ hiệu quả.
"Chúng tôi cũng lên kế hoạch cho các nhiệm vụ không gian quốc tế trong ít năm tới để kiểm tra các phương pháp phòng thủ mà chúng tôi đang theo dõi".
Từ số lượng lớn các tiểu hành tinh được khám phá, những tiểu hành tinh thích hợp nhất cho các thử nghiệm sẽ được chọn ra để thực hiện. Hơn nữa, cũng cần có một lịch trình để chống lại một mối đe dọa nào đó với Trái Đất nêis nó xuất hiện, chẳng hạn như việc tiểu hành tinh Apophis sẽ sát tới Trái Đất vào năm 2029.
Các cộng sự
Dự án được lãnh đạo bởi Trung tâm hàng không không gian Đức (Deutsches Zentrum fur Luft- und Raumfahrt; DLR), các cộng sự khác (hầu hết từ EU) gồm: Đài quan sát Paris (Pháp), Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, Đại học Mở vương quốc Anh, viện nghiên cứu Fraunhofer Ernst-Mach (Đức), đại học Nữ hoàng tại Belfast (Anh), Astrium GmbH (Đức), Astrium Limited (Anh), Astrium S.A.S. (Pháp), Deimos Space (Tây Ban Nha), Tổng công ty-viện SETI - trung tâm Carl Sagan (Mỹ), TsNIIMash (Nga), đại học Surrey (Anh)
VACA
(Nguồn: Space Daily)