Chúng ta không chỉ thấy trên phim ảnh mà còn được nghe về rất nhiều dự đoán liên quan đến ngày tận thế, hay sự kết thúc của thế giới. Nổi tiếng nhất trong vài năm gần đây là dự đoán về ngày 21 tháng 12 năm 2012, mà theo như những dự đoán từ sự kết thúc của lịch Mayan thì một kỉ nguyên mới sắp đến. Thực tế chúng ta đã biết điều đó không xảy ra, trong khi đó chúng ta có thể thấy còn có những mối đe dọa thực sự đáng quan tâm hơn với sự sống còn của nhân loại.

 

Đề tài về ngày tận thế đã thu hút sự chú ý của nhân loại trong suốt nhiều năm nay, đi kèm với nó là hàng loạt các dự đoán và các tác phẩm văn học, điện ảnh mô tả sự kết thúc của thế giới. Trong nhiều trường hợp, các dự đoán tỏ ra có ảnh hưởng rất lớn tới dư luận quần chúng khi tác giả của nó biết cách mô tả một cách hấp dẫn và có vẻ hợp lý và hiện tượng năm 2012 sắp tới đương nhiên không phải lần đầu.

Ngay cách đây không xa mà có lẽ nhiều người trong chúng ta có thể vẫn nhớ là năm 1997, có tin đồn rằng các quan sát thiên văn cho biết có những tín hiệu lạ xuất hiện từ sao chổi Hale-Bopp khi nó tiến gần Hệ Mặt Trời, và rất có thể đó là một con tàu vũ trụ của những người ngoài hành tinh đang chuẩn bị tấn công Trái Đất. Đến năm 1999, nhân loại lại hồi hộp đón chờ kẻ hủy diệt xuất hiện vào tháng 8 theo như lời tiên đoán của nhà tiên tri Nostradamus. Tất nhiên cả hai dự đoán đáng sợ này đều không hề xảy ra.

Gần thời điểm bắt đầu năm 2000, lại một dự đoán mới xuất hiện và được dư luận hết sức chú ý, đó là sự cố máy tính Y2K, dự đoán này nói rằng hệ thống máy tính trên thế giới sẽ gặp rắc rối do chúng không thể phân biệt năm 1900 và năm 2000, không biết sẽ có những gì xảy ra khi toàn bộ hệ thống thông tin bị đảo lộn, thậm chí ở nhiều quốc gia có rất nhiều người còn mua súng để sẵn sàng ứng phó với những thảm họa xã hội sẽ xảy ra. Ngày 1 tháng 1 năm 2000 rồi cũng tới và chẳng có chuyện gì xảy ra với hệ thống máy tính của chúng ta...

Từ khoảng năm 2007, thế giới bắt đầu xôn xao về việc ngày tận thế có thể đến vào ngày 21 tháng 12 năm 2012 do đó là ngày kết thúc chu kì lịch của người Mayan, và như trong một bài khác mà nhiều độc giả đã biết, tôi đã có dịp nói rõ rằng đây tiếp tục chỉ là một tin đồn thiếu cơ sở khoa học (Đọc bài “Không có tận thế vào năm 2012” và bài "Hãy ngừng ngộ nhận về tận thế") và thực tế không có bất cứ chuyện gì xảy ra trong ngày này.

Chúng ta không cần chuẩn bị tâm lý cho những phỏng đoán mơ hồ thiếu cơ sở khoa học, nhất là những thứ hoàn toàn mang tính phỏng đoán chẳng hạn như nhiều tờ báo lá cải vào những ngày cuối năm 2016 thi nhau đăng những bài họ "tự tiên tri" nhưng đặt vào lời của người khác nói về vị tân tổng thống của nước Mỹ. Thay vào đó hãy xem xét qua về những nguy cơ có thể thực sự xảy đến với loài người trong tương lai.

Những hiểm họa thật sự

Núi lửa: một ngọn núi lửa thông thường chỉ có thể tàn phá một vùng diện tích nhỏ của rừng, đồng cỏ hay đô thị, nó không thể gây thiệt hại tới mức cả nhân loại phải lo ngại. Nhưng nếu như không phải một ngọn núi lửa thông thường thì sao? Chúng ta hãy nhắc tới lịch sử Trái Đất đôi chút để thấy được sức mạnh thật sự của núi lửa. 630 triệu năm trước, sự sống trên Trái Đất từng được cứu thoát bởi những ngọn núi lửa. Đó là thời kì đóng băng toàn cầu ghê gớm nhất trong lịch sử, chính nhờ sự biến động mạnh mẽ của Trái Đất và hàng triệu ngọn núi lửa đồng loạt phun trào mới có thể làm tan lớp băng phủ kín bề mặt hành tinh và mang lại cơ hội cho sự sống phát triển. Hơn 250 triệu năm trước, chúng ta lại biết tới cuộc đại tuyệt chủng Permi, hơn 90% số loài trên Trái Đất đã biến mất với nguyên nhân chính là sự phun trào của 1,5 triệu tấn dung nham từ núi lửa, ngay cả cuộc tuyệt chủng của các loài khủng long vào thời điểm 65 triệu năm trước cũng có sự góp mặt không nhỏ của sự phun trào núi lửa.

Cách đây không hề xa trong lịch sử Trái Đất, các tổ tiên của chúng ta cũng từng chịu một thảm họa núi lửa. 60% số người nguyên thủy trên Trái Đất đã chết trong thảm họa núi lửa 75.000 năm trước khi núi lửa tại hồ Toba, Indonesia phun trào. Tất nhiên hiện tượng phun trào khủng khiếp như vậy thường hàng chục đến hàng trăm nghìn năm mới diễn ra, và nó khá là khó xảy ra vào thời đại của chúng ta, nhưng đó là một khả năng không thể không nhắc tới, vì với sự phát triển của khoa học và công nghệ ngày nay, chúng ta chưa đủ khả năng dự đoán hoàn toàn chính xác, hay dù có chính xác cũng không thể chống lại những rung chuyển bất thường của Trái Đất. Do đó dù rất khó xảy ra, nhưng nếu nó xảy ra, đây chính là một trong những thảm họa ghê gớm nhất.

Vụ nổ tia gamma: Cũng như hiểm họa núi lửa, đây là một thảm họa khó có thể xảy ra nhưng hết sức đáng sợ, chúng ta không có cách gì chống lại nếu một ngày nó thật sự xảy ra. Đây là những nguồn sáng mạnh nhất từng biết tới trong vũ trụ, được cho là được phát ra từ các vụ nổ supernova hay hypernova, sự sụp đổ hấp dẫn tạo thành lỗ đen hoặc từ va chạm hai sao neutron. Chúng ta đang sống trong một thiên hà có tới hơn 200 tỷ ngôi sao như Mặt Trời, và nếu như chỉ cần một ngôi sao đủ nặng cách chúng ta trong khoảng 1.000 năm ánh sáng trở lại sụp đổ và phát nổ, nó sẽ rực sáng trên bầu trời của chúng ta như Mặt Trời thứ hai, bức xạ tia cực tím, tia gamma cường độ cao phá nát tầng ozone của Trái Đất, xuyên xuống tận mặt đất. Ung thư da là thứ bệnh đầu tiên mà bất cứ ai đi ra ngoài trời sẽ mắc phải, và tệ hơn là động thực vật bị giết chết hàng loạt, không còn cây quang hợp ra oxy phục vụ quá trình hô hấp... May mắn rằng theo những quan sát thiên văn hiện nay thì chưa có bất cứ ngôi sao nào ở cự li này có khả năng sẽ phát nổ như vậy trong nhiều năm tới, mặc dù các quan sát chưa phải là hoàn hảo và có lẽ còn nhiều sao chưa được phát hiện và quan sát.

Tiểu hành tinh và sao chổi: Đây dường như là kịch bản khá phổ biến trong các mô phỏng của chúng ta về ngày tận thế, đặc biệt trong các tác phẩm của Hollywood. Thực tế điều này không phải không có cơ sở. Một lần nữa chúng ta lật lại lịch sử Trái Đất từ những trang đầu tiên. Một tiểu hành tinh với kích thước còn lớn hơn cả ngọn Everest đã là nguyên nhân tác động đầu tiên dẫn đến sự phun trào núi lửa gây ra cuộc đại tuyển chủng ở kỉ Permi, cũng một thủ phạm tương tự gây ra sự tuyệt chủng của khủng long cuối kỉ Creta. Có những bằng chứng về việc một sao chổi nhỏ đã va chạm với Trái Đất vào năm 1908 tại sông Tunguska, Nga, quét sạch khoảng 80 triệu cây cối trong diện tích 2.150km² và gây ra một cơn địa chấn 5 độ richter. Không gian bên ngoài quá rộng lớn, việc một vật thể va chạm vào Trái Đất là thật sự khó xảy ra, nhưng ngoài ra, các tiểu hành tinh, sao chổi và các thiên thạch tương đối lớn trong Hệ Mặt Trời là khá nhiều. Ngay gần đây là năm 1994 sao chổi Shoemaker-Levy 9 đã lao vào Sao Mộc làm rung chuyển cả một góc hành tinh này. Dù sao, đây là nguy cơ dễ được dự đoán và phòng tránh hơn nhiều so với hai kịch bản trên do việc quan sát và dự đoán sớm các vật thể lớn có thể va chạm với Trái Đất là khá dễ dàng với sự phát triển của thiên văn học ngày nay, và việc phá hủy hay làm giảm thiệt hại gây ra của các thiên thể không lớn lắm là điều có thể thực hiện được trong nền khoa học ngày nay.

 

Những hiểm họa từ văn minh nhân loại:

Gần một thế kỉ qua, khoa học và công nghệ của con người đã phát triển với tốc độ lớn chưa từng thấy trong lịch sử, kéo theo nền văn minh và các phương tiện phục vụ nó tiến nhanh đến mức đôi khi chúng ta không tin nổi, tất cả đang phát triển với tốc độ có gia tốc, mà là một gia tốc lớn. Ngoài những tiện ích tuyệt vời mà sự phát triển này mang lại, thì chúng cũng mang lại cho chúng ta những hiểm họa, và ngày tận thế hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta không kiểm soát được sự phát triển này.

Những kho vũ khí hạt nhân khổng lồ nếu phát nổ, hay là một cuộc chiến xảy ra, sẽ mang đến cái chết cho hàng trăm triệu hay thậm chí hàng tỷ người, sự đáng sợ của nó không chỉ là sự tàn phá của vụ nổ mà là ở tàn dư phóng xạ, chúng sẽ giết chết hàng triệu hay hàng trăm triệu người, gieo bệnh dịch xuống hàng trăm triệu người khác và biết đâu những đột biến sinh ra những sinh vật khủng khiếp như con quái vật Godzilla nổi tiếng trên màn ảnh...

Công nghệ sinh học phát triển quá nhanh dẫn đến những hiểm họa từ vũ khí sinh học, từ các đột biến bất thường. Những quái vật đáng sợ trong phim ảnh có thể sẽ không còn xa nữa khi mà người ta đã tạo ra được giống cây đột biến cho ra năng suất và chất lượng cao hơn, điều gì xảy ra nếu vài năm nữa điều này thực hiện dễ dàng trên cả động vật và con người, và kết quả thì có thể không phải luôn như mong muốn?

Một hiểm họa khác là trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence). Người ta đang cố gắng ngày một hoàn thiện hơn những máy tính có thể tự giải quyết các vấn đề trí óc cho con người, các người máy có thể tự giải quyết các sự cố kĩ thuật khi công việc không đúng như mong muốn, những máy bay chiến đấu có thể tự tính toán chiến thuật để tấn công hợp lý... Đó không phải một tương lai xa bởi nó đã đang được thực hiện ngay lúc này. Viễn cảnh về những ngành công nghiệp không cần sự có mặt của con người đang mở dần ra trước mắt. Hãy đừng quên rằng những máy tính lạc hậu nhất cũng có thể giải một phương trình nhanh hơn bất cứ thiên tài toán học nào, cái duy nhất chúng thiếu đó là tính linh động của tư duy và tính sáng tạo như con người, và lúc này chúng ta đang cố cho chúng những thứ đó.

Trên đây chỉ là những kịch bản đáng quan tâm nhất về những mối đe dọa cho sự tồn tại của nhân loại. tất nhiên tất cả chúng đều khó xảy ra hoặc là trong một tương lai khôg phải quá gần, nhưng cũng không phải là không đáng lưu ý. Các nhà khoa học trên khắp thế giới vẫn đang tiếp tục những cố gắng để hạn chế tối đa những hiểm họa này và cả những cách khắc phục nếu thật một ngày chúng sẽ xảy ra.

Đặng Vũ Tuấn Sơn

Bài viết được viết đầu năm 2012, bổ sung lần cuối tháng 11 năm 2016

Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn Thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng bài viết này.