Trong chương trình kéo dài 20 năm sử dụng kính thiên văn ESO quan sát chuyển động của các ngôi sao quanh lỗ đen siêu nặng ở trung tâm thiên hà chúng ta, nhóm các nhà thiên văn dẫn đầu bởi Reinhard Genzel thuộc viện nghiên cứu Max-Planck về vật lý ngoài Trái Đất (MPE) tại Garching, Đức đã phát hiện một thiên thể độc lập đang tiến nhanh về phía lỗ đen.
Hơn 7 năm gần đây, vận tốc của thiên thể này đã tăng gần gấp đôi, đạt tới hơn 8 triệu km/h. Nó đang trên đường tiến tới gần lỗ đen để đạt khoảng cách chỉ còn cách chân trời sự cố của lỗ đen siêu nặng này 40 tỷ km (36 giờ ánh sáng) vào giữa năm 2013. Với thiên văn học thì đây là một cuộc chạm trán rất gần.
Thiên thể rất lạnh so với các ngôi sao, nó có nhiệt độ chỉ 280 độ C, bao gồm chủ yếu là hydro và heli. Nó là một đám gồm các khí ion hóa với khối lượng khoảng 3 lần Trái Đất. Đám mây khí này sáng lên dưới các bức xạ tử ngoại từ các ngôi sao nóng quanh nó trong vùng trung tâm đông đúc của Milky Way.
Mật độ hiện tại của đám khi này cao hơn nhiều vùng khí nóng xung quanh lỗ đen. Nhưng khi nó đến gần lỗ đen hơn, sự tăng của áp lực ngoài sẽ nén nó lại nhưg đồng thời, lực hấp dẫn từ lỗ đen (với khối lượng gấp 4 triệu lần Mặt Trời) sẽ làm nó bị kéo căng ra theo đường chuyện động.
"Ý tưởng về việc nhà du hành vũ trụ sẽ bị kéo căng ra như một sợi spaghetti khá quen thuộc trong khoa học viễn tưởng. Nhưng bây giờ chúng ta có thể tận mắt chứng kiến chuyện đó xảy ra với đám mây khí mới phát hiện này" Cho biết của Stefan Gillessen tại MPE và là tác giả chính của bài báo mới công bố.
Phần rìa của đám khí đã bắt đầu bị chia cắt do đến gần lỗ đen và nó sẽ bị phá vỡ hoàn toàn vào ít năm tới. Các nhà thiên văn có thể nhìn rõ sự gián đoạn ngày càng tăng của đám khí trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2011.
Đám khí cũng sẽ nóng lên nhiều khi nó tới gần lỗ đen vào năm 2013 và sẽ bắt đầu bức xạ tia X. Hiện nay lượng vật chất quanh lỗ đen đã ít đi nhiều nên đám khí đang tới gần này có thể sẽ là "thức ăn" chính của lỗ đen trong ít năm tới.
Một giải thích cho sự tạo thành của mây khí này có thể là do vật chất của nó tạo ra từ các sao trẻ gần đó bị thất thoát vật chất do gió giữa các sao. Những chấn động do gió sao từ một cặp sao đổi đã được biết tới quanh lỗ đen trung tâm có thể là nguyên nhân tạo ra đám khí này.
"Hai năm tiếp theo sẽ rất thú vị và có thể cung cấp cho chúng tôi những thông tin cực kì đáng giá về hành vi của vật chất quanh các thiên thể nặng như thế này" - Reinhard Genzel kết luận.
VACA
Theo Space Daily