Vào ngày 10/12 sắp tơi, lần thứ hai trong năm nay, Việt Nam chúng ta lại được đón xem hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Mặt Trăng sẽ vào vùng bóng nửa tối lúc 18h33 (giờ Việt Nam), bắt đầu nguyệt thực. Tuy nhiên, bóng nửa tối làm giảm độ sáng của Mặt Trăng không đáng kể nên rất khó nhận ra giai đoạn này. Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối lúc 19h45. Từ đây Mặt Trăng bắt đầu bị khuyết do tối mất một phần cho đến khi nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối lúc 21h06. Lúc này Mặt Trăng có màu đỏ, khác hẳn với ánh trăng rằm bình thường.

 

 


Mặt Trăng khi nguyệt thực



Nguyệt thực đạt cực đại khi Mặt Trăng đi sâu vào vùng nửa tối nhất lúc 21h32. Sau đó Mặt Trăng bắt đầu ló dần ra khỏi bóng tối lúc 21h57. Mặt Trăng ra hẳn khỏi vùng này lúc 23h17 và lại toả ánh sáng vàn. Mặt Trăng ra khỏi bóng nửa tối lúc 00h30 ngày hôm sau, kết thúc nguyệt thực.

Cơ hội hiếm gặp
Lần nguyệt thực này hội tụ rất nhiều điểm thuận lợi cho việc theo dõi.
Trước hết là thời gian diễn ra nguyệt thực trong vùng bóng tối nằm gọn trong cả buổi tối, và kết thúc sớm trước nửa đêm, Mặt Trăng có thể được dễ dàng quan sát mà không cần thức quá khuya như đối với mưa sao băng. Càng gần nửa đêm, trăng ngày rằm càng lên cao và khi Nguyệt thực cực đại, Trăng có góc cao độ khoảng 60 độ hướng Đông, một độ cao lý tưởng để có thể tránh được các chướng ngại vật trên mặt đất để quan sát  Hơn nữa, thời tiết cuối đông hứa hẹn nhiều đêm không có mây gây cản trở tầm nhìn. Nguyệt thực lần này tuy không có độ dài gần như kỷ lục của lần nguyệt thực tháng 6 vừa qua, nhưng với khoảng thời gian 50 phút, chắc chắn chúng ta cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng ánh sáng đỏ kỳ bí của Mặt Trăng.

Các nơi có thể quan sát hiện tượng này gồm có khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Á và Alaska. Việt Nam có thuận lợi năm trọn trong vùng này. Các khu vực Châu Âu, Châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ và Bắc Mỹ chỉ theo dõi được hiện tượng khi Trăng đang mọc hoặc đang lặn.

 


Các khu vực trên thế giới quan sát được nguyệt thực toàn phần ngày 10/12/2011



Lần nguyệt thực toàn phần tiếp theo sẽ diễn ra năm 2014 nhưng sẽ rất lâu nữa Việt Nam mới có thể theo dõi được trọn vẹn và dễ dàng như lần nguyệt thực này.

Không bỏ lỡ cơ hội đáng quý này, CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam VACA phối hợp với Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội HAS sẽ tổ chức một buổi quan sát nguyệt thực tại cửa sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, bắt đầu từ 19h ngày 10/12. Ban tổ chức cho biết sẽ chuẩn bị nhiều kính thiên văn phục vụ các bạn tới tham gia quan sát. Ngoài ra chương trình còn tổ chức biểu diễn bắn tên lửa nước, chiếu phim thiên văn và trao đổi, thảo luận các kiến thức về nguyệt thực nói riêng và về thiên văn học nói chung.

 


 

Quan sát nguyệt thực cũng như quan sát Mặt Trăng bình thường, không yêu cầu dụng cụ bảo hộ nào. Tuy nhiên sử dụng ống nhòm hoặc kính thiên văn sẽ lý thú hơn nhiều khi có thể nhìn rõ các chi tiết trên bề mặt Mặt Trăng, nhất là khi chúng bị nhuốm một màu đỏ trong thời gian nguyệt thực.

Nguyệt thực toàn phần là hiện tượng thiên văn xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất, diễn ra vào một ngày rằm. Khi đó Mặt Trăng nhìn từ Trái Đất sẽ có màu đỏ do ánh sáng Mặt Trời bị che lấp bởi Trái Đất nhưng những tia sáng đỏ lại được khúc xạ và vượt qua bầu khí quyển đến Mặt Trăng, trong khi các tia xanh, tím...(có bước sóng ngắn hơn) bị tán xạ và hấp thụ.


Cơ hội được quan sát Nguyệt thực tại một nơi trên Trái Đất lại cao hơn rất nhiều so với Nhật thực. Đó là vì khi Nguyệt thực diễn ra thì nửa bề mặt Trái Đất nhìn thấy Mặt Trăng lúc đó đều có thể quan sát được,  trong khi lúc Nhật thực diễn ra, bạn phải đứng trên đường đi của bóng Mặt Trăng che lấp Mặt Trời với bề rộng chỉ khoảng 100km thì mới có thể quan sát được.

Nguyệt thực diễn ra một năm ít nhất 2 lần, nhưng nguyệt thực toàn phần thì hiếm hơn và không phải ở đâu trên thế giới cũng theo dõi được trọn vẹn.

 



Vũ Lộc