Tàu không gian Voyager 1 của NASA đã tiến tới một khu vực mới nằm giữa Hệ Mặt Trời và khoảng không bên ngoài. Dữ liệu thu được trong nhiều năm từ Voyager cho thấy nơi này là tận cùng của Hệ Mặt Trời.
Tại đó, gió Mặt Trời gồm các hạt mang điện và từ trường của chúng đã chậm lại, chất đống lên và rò rỉ ra ngoài không gian bên ngoài.
Mặc dù Voyager 1 đã cách Mặt Trời tới 18 tỷ kilomet nhưng nó vẫn chưa thoát ra khỏi biên giới của Hệ Mặt Trời, nó vẫn bị vây quanh bởi các hạt mang điện trong từ trường của mặt Trời.Chưa có con số chính xác nào cho biết khi nào thì Voyager sẽ thoát ra phía ngoài rìa của Hệ Mặt Trời, nhưng có lẽ sẽ mất thêm từ vài tháng đến vài năm.
Voyager 1 đã xác nhận được vị trí ở rìa của hệ Mặt Trời do việc đo tốc độ của gió Mặt Trời và cường độ từ trường ở đây. Tại vị trí này, gió Mặt Trời chậm hơn và có sự tăng mạnh trong cường độ từ trường do các hạt mang điện chất đống lại giống như khi bạn thấy một đoạn đường tắc nghẽn vì quá nhiều xe. Ngoài ra một dấu hiệu khác cho thấy Voyager 1 đã ở biên giới của Hệ Mặt Trời là cường độ các electron năng lượng cao đo được tăng dần lên tới 100 lần trong vòng 1 năm qua, đó là các hạt mang điện lao vào Hệ Mặt Trời từ các vùng khác của thiên hà.
Voyager 1 và voyager 2 được phóng lên từ năm 1977 và là những con tàu có hành trình dài nhất trong lịch sử nghiên cứu không gian của loài người. Đến nay Voyager 2 cũng đã cách xa Mặt Trời 15 tỷ kilomet và vẫn hoạt động rất tốt. Voyager 1 rất có thể sẽ sớm trở thành tàu đầu tiên, vật thể nhân tạo đầu tiên đi ra khỏi biên giới của Hệ Mặt Trời.
VACA
(theo NASA)