Chỉ còn 2 ngày nữa là chúng ta sẽ bước sang tháng 12, những ngày cuối cùng của năm 2011. Trận mưa sao băng lớn hàng đầu trong năm là Geminids sẽ khó có thể theo dõi bởi ánh trăng sáng. Nhưng ngược lại một điều có thú vị hơn nhiều lại đến từ Mặt Trăng: Nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra vào tối ngày 10 tháng 12 sắp tới.

 

Trong năm 2011 này, chúng ta đã có dịp quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần kéo dài hiếm có vào ngày 15 tháng 6, mặc dù thời tiết khi đó đã không hoàn toàn ủng hộ những người yêu thiên văn. Tuy vậy với những ngày đẹp trời như chúng ta đang có hiện nay, tin chắc rằng nguyệt thực đêm 10 tháng 12 sắp tới sẽ thực sự là một hiện tượng đáng xem nhất vào cuối năm 2011 này trước khi chúng ta đón năm mới 2012. Người quan sát trên toàn lãnh thổ Việt Nam có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng này.

Như các độc giả đã biết, nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giao điểm của mặt phẳng quĩ đạo của Mặt Trăng và Trái Đất ở phía bên kia so với Mặt Trời (đọc bài Nhật thực và Nguyệt thực). Vào những thời điểm khá hiếm hoi này, nó đi qua bóng tối của Trái Đất và không nhận được ánh sáng Mặt Trời, vì vậy mà trên bầu trời chúng ta sẽ thấy thiên thể này có màu đỏ tối thay vì sáng rực rỡ như những đêm rằm thông thường, đây chính là điều kiện tuyệt vời cho các nhà nghiên cứu cũng như các nhà quan sát nghiệp dư quan sát kì bề mặt của thiên thể rất gần gũi với chúng ta này.

Theo thông tin đã được tính toán, đêm ngày 10 tháng 12 tới (ngày 16 âm lịch),

 

  • Mặt Trăng sẽ bắt đầu giai đoạn nửa tối vào lúc 11h33 UT (Universal Time, gần chính xác với giờ GMT), tức là tương đương với 18h33 giờ Việt Nam, trong giai đoạn này Mặt Trăng chỉ tối đi một chút và bắt đầu chuyển sang sắc đỏ.
  • 19h45, giai đoạn nguyệt thực một phần bắt đầu, một phần của Mặt Trăng bắt đầu đỏ thẫm hơn và rất tối, vùng bị che khuất này tiếp tục lớn dần đến 21h06
  • 21h06, nguyệt thực toàn phần chính thức bắt đầu, toàn bộ Mặt Trăng bị che khuất chỉ còn màu đỏ rất sẫm và tối. Đây chính là giai đoạn chính của quá trình nguyệt thực.
  • 21h57, Nguyệt thực toàn phần kết thúc và Mặt Trăng bắt đầu được chiếu sáng một phần, quá trình nguyệt thực một phần lúc trước diễn ra ngược lại.
  • 23h17, nguyệt thực một phần kết thúc và chuyển sang giai đoạn cuối cùng là nguyệt thực nửa tối.
  • 00h30 ngày 11 tháng 12, nguyệt thực nửa tối chấm dứt, kết thúc toàn bộ hiện tượng.


Như vậy tổng thời gian từ khi bắt đầu giai đoạn nửa tối lúc đầu cho tới lúc kết thúc toàn bộ hiện tượng là 5 giờ 57 phút và thời gian diễn ra nguyệt thực toàn phần là 51 phút. Đây là một hiện tượng nguyệt khá dài để có thể quan sát đối với cả các nhà khoa học, các nhà quan sát nghiệp dư cũng như tất cả những độc giả yêu khoa học nói chung và thiên văn học nói riêng.

Dưới đây là mô phỏng các mốc thời gian của hiện tượng này theo số liệu của NASA.
Các thuật ngữ trong hình:
Ecliptic: Hoàng Đạo
Earth's Umbra: vùng bóng tối của Trái Đất
Earth's Penumbra: Vùng nửa tối của bóng Trái Đất


Hiện tượng này có thể được quan sát trọn vẹn trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam cùng hầu hết các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Đông Á, Bắc Á, Trung Á và châu Đại Dương. Bắc Mỹ, châu Âu, Nam Á, Bắc và Đông Phi chỉ quan sát được những pha ngắn của hiện tượng.

Trong tháng 12 sắp tới, mưa sao băng Geminids sẽ diễn ra và là một trong những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm. Đáng tiếc rằng hiện tượng này xảy ra quá gần ngày rằm nên ánh trăng sẽ làm chúng ta rất khó quan sát các sao băng của trận mưa sao này, nhưng ngược lại Mặt Trăng lại cho chúng ta cơ hội quan sát một hiện tượng thú vị hơn rất nhiều.

Khác với mưa sao băng, Mặt Trăng khá sáng và dễ dàng quan sát nên chỉ trừ khi trờimuwa hoặc đặc biệt nhiều mây, nếu không chúng ta có thể chắc chắn quan sát được hiện tượng này.
Khác với nhật thực, nhìn thẳng vào nguyệt thựa bằng mắt thường hay qua bất cứ thiết bị phóng đại hình ảnh nào đều không làm ảnh hưởng tới mắt.
Người quan sát có thể quan sát tại bất cứ đâu, càng hạn chế được ánh đèn và khói bụi càng tốt, và một chiếc kính thiên văn hay thậm chí ống nhòm, máy quay phim ... đều sẽ giúp rất nhiều trong việc quan sát chi tiết hơn hiện tượng này.

Tại Hà Nội, Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam sẽ tổ chức quan sát hiện tượng này qua kính thiên văn. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sớm nhất có thể (trước ngày 5 tháng 12) để các độc giả có quan tâm có thể cùng tham gia quan sát. Bạn cũng có thể tham gia thảo luận về việc quan sát này tại diễn đàn, ấn vào đây

Đặng Vũ Tuấn Sơn

Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn Thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng bài viết này!