Khác với cách gọi tên khá đơn giản trong tiếng Việt của chúng ta, tên ban đầu các ngày trong tuần (từ chủ nhật đến thứ bảy) trong văn hóa của các quốc gia châu Âu có ý nghĩa rất rõ nét, cùng nguồn gốc với tên gọi quen thuộc của các thiên thể gần chúng ta.
Trong văn hóa của các quốc gia châu Âu, các ngày trong tuần đều được lấy tên theo các vị thần trong văn hóa của họ, khác với cách gọi đơn giản thứ hai, thứ ba ... của chúng ta. Chúng ta thấy việc đặt tên này khá quen thuộc, rất giống với cách đặt tên các hành tinh, chỉ khác đôi chút về cách sử dụng và các biến thể. Chúng ta sẽ thử tìm hiểu đôi chút về sự liên quan giữa tên gọi của các ngày trong tuần và tên gọi của các hành tinh. Văn hóa và ngôn ngữ phương tây rất phong phú nhưng có nhiều điểm tương đồng giữa các quốc gia, do đó dưới đây chỉ xin nêu dẫn chứng từ các nền văn hóa lớn nhất tại châu lục này.
1. Chủ nhật:
Ngày được coi là đặc biệt nhất trong tuần được các nền văn hóa chọn cho cái tên đặc biệt nhất. Trong tiếng Anh chủ nhật là Sunday có ý nghĩa là ngày của Mặt Trời (từ Sun nghĩa là Mặt Trời). Trong khi đó tại nhiều nền văn hóa khác ở châu Âu, ngày này lại được lấy theo ý nghĩa là ngày của Chúa (Lord's day), do đó nó được lấy theo tên của thánh Dominic (hay Dominica, Dominique). Chủ nhật theo cách đặt tên này trong tiếng Pháp là Dimanche, tiếng Tây Ban Nha là Domingo, tiếng Ý là Domenica.
2. Thứ hai:
Thứ hai là ngày đầu tiên trong tuần sau chủ nhật, được lấy theo tên của Mặt Trăng (đứng ngay bên cạnh Mặt Trời), trong tiếng Anh là Monday (lấy theo Moon), tiếng Pháp là Lundi, tiếng Tây Ban Nha là Lunes, tiếng Ý là Lunedi (trong tiếng Pháp và một số ngôn ngữ Latin, Lune là Mặt Trăng)
3. Thứ ba:
Trong thần thoại La Mã, thần chiến tranh là Mars (tương ứng với thần Ares trong thần thoại Hy Lạp). Cái tên Mars được đặt tên cho hành tinh thứ 4 của Hệ là Sao Hỏa. Bên cạnh đó, thần chiến tranh trong thần thoại German (gồm các quốc gia nhóm Anh, Đức) là Tiu hay Tiw, và theo thần thoại Bắc Âu là Tyr, cái tên này đã được lấy đặt cho tên của ngày thứ ba, thành Tuesday.
Trong tiếng Pháp thứ ba là Mardi, trong tiếng Tây Ban Nha là Martes và tiếng ý là Martedi, cũng tương ứng với Mars.
Thần chiến tranh Mars trong thần thoại La Mã - tranh vẽ thế kỷ 18.
4. Thứ tư:
Từ wednesday trong tiếng Anh để chỉ thứ tư tương ứng với từ gốc là Woden. Đây là tên vị thần đứng đầu thiên đình trong thần thoại của người Anglo-Saxon/Teutonic. Vị thần này tương ứng trong văn hóa Bắc Âu là Odin, Hy Lạp là Zeus, tiếng Latin tương ứng là Jupiter, như ta đã biết là được đặt tên cho hành tinh lớn nhất của Hệ Mặt Trời là Sao Mộc
Trong tiếng Pháp, thứ tư là Mercredi (tương tự với các ngôn ngữ thuộc nhóm Latin như tiếng Tây Ban Nha là miércoles, tiếng ý là mercoledì) thì lại không phải chỉ Jupiter mà là Mercury, tên Latin của thần truyền tin và trộm cắp trong thần thoại La Mã, tương ứng trong thần thoại Hy Lạp là Hermes. Chúng ta cũng biết rằng Mercury là tên gọi chính thức của Sao Thủy. (Trên thực tế, có một số tài liệu cho rằng Odin của thần thoại Bắc Âu đã được xây dựng dựa trên một vài đặc điểm của Hermes ở thần thoại Hy Lạp).
5. Thứ năm:
Trong tiếng Anh, thứ năm là Thursday, nó là tên gọi theo tên của thần cai quản sấm sét trong thần thoại Bắc Âu - Thor (một người con của Odin). Trong khi đó ở tiếng Pháp thứ năm lại là Jeudi, tiếng Tây Ban Nha: Jueves, tiếng Ý: Giovedi, lấy theo từ Jupiter (Sao Mộc). Ở đây ta thấy sự khác biệt giữa hai nhóm thần thoại nhưng lại tương đồng giữa cách đặt tên. Theo thần thoại Bắc Âu thì vị thần tối cao là Odin, trong khi đó ở thần thoại La Mã thì Jupiter (tương ứng với Zeus trong thần thoại Hy Lạp) là thần tối cao chứ không phải Hermes, do đó ở ngày thứ tư có sự sai khác giữa hai cách đặt tên. Tuy nhiên ở ngày thứ năm thì theo dù lấy tên theo Jupiter hay Thor thì lại có cùng điểm chung là cả Jupiter và Thor đều là thần cai quản sấm sét.
6. Thứ sáu:
Tiếng Anh thứ sáu là Friday, lấy theo tên của Freya - nữ thần của tình yêu và sắc đẹp, thủ lĩnh của các Valkyrie trong thần thoại Bắc Âu. Tương tự trong tiếng Pháp, Vendredi, tiếng Tây Ban Nha: Viernes, hay tiếng Ý: Venerdi, đều lấy từ Venus, tên của nữ thần tình yêu và sắc đẹp trong thần thoại La Mã (tương ứng với nguồn gốc Hy Lạp là Aphrodite).
(Như hình ảnh ở đầu bài viết: bên trái là Sao Kim, bên phải là một bức tranh vẽ nữ thần Freya theo thần thoại Bắc Âu.)
7. Thứ bảy:
Ngày cuối cùng trong tuần cũng giống như ngày đầu tuần, có sự trùng nhau giữa các dòng văn hóa. Tiếng Anh: Saturday, tiếng Pháp: Samedi, tiếng Tây Ban Nha: Sábado ... Tất cả đều có cùng nguồn gốc là lấy từ từ Saturn - cha đẻ của thần Jupiter trong thần thoại La Mã (tương ứng với Cronos (một trong các Titan, cha đẻ của thần Zeus) trong thần thoại Hy Lạp), và đây là cái tên được đặt cho hành tinh thứ sáu của Hệ Mặt Trời: Sao Thổ
Tháng 10 năm 2011
Đặng Vũ Tuấn Sơn
(Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn Thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng lại bài viết này)