Đêm 21, rạng sáng 22 tháng 10 sắp tới, nếu thời tiết đẹp, chúng ta sẽ có thể quan sát mưa sao băng Orionids, một trận mưa sao băng "trên trung bình" của năm.
Mưa sao băng Orionids là trận mưa sao băng với mật độ sao trung bình và trên trung bình diễn ra hàng năm, kéo dài từ ngày 15 đến ngày 29 tháng 10 với cực điểm thường rơi vào đêm 21 hoặc 22. Vào cực điểm của trận mưa sao băng này, chúng ta có thể quan sát 20-30 sao băng mỗi giờ hoặc có thể nhiều hơn nếu như điều kiện thời tiết và ánh sáng lý tưởng.
Sao băng và mưa sao băng
Lần đầu tiên mưa sao băng này được quan sát là vào các năm 1839 và 1940 bởi nhà quan sát E. C. Herrick. Lần đầu quan sát vào năm 1839 ông đã kết luận rằng trận mưa sao băng kéo dài từ mùng 8 tới 15 tháng 10. Lần quan sát năm 1840 ông đính chính rằng nó bắt đầu mùng 8 và kết thúc vào 25 tháng 10.
Tuy nhiên, người đầu tiên quan sát chính xác trận mưa sao băng này là nhà thiên văn Herschel, ông đã quan sát được 14 sao băng của trận này xuất phát từ khu vực của chòm sao Orion vào ngày 18 tháng 10 năm 1864 và năm tiếp theo, ông đã kết luận cực điểm của nó chính là là 20 tháng 10 (năm 1965). Khi đó Orionids đã là một trong số những trận mưa sao băng lớn nhất hàng năm có thể quan sát.
1,5 thế kỉ trôi qua, các thiên thạch của Orionids vẫn còn rất nhiều trên khí quyển Trái Đất và chúng ta vẫn có thể quan sát trận mưa sao băng này dù với mật độ sao băng nhỏ hơn trước khá nhiều. Nó không còn là một trận mưa sao băng thật sự lớn khi so sánh với các trận Perseids, Geminids hay thậm chí Leonids, nhưng vẫn là một hiện tượng thiên văn đáng chú ý với những người yêu thích quan sát bầu trời.
Năm nay (2011), cực điểm của trận mưa sao băng này sẽ rơi vào khoảng 4h sáng ngày 22/10 theo giờ Việt Nam. Mặt Trăng trong đêm này là đêm 25 và rạng sáng 26 âm lịch, đĩa sáng của Mặt Trăng chỉ đạt 32%, khá thuận lợi cho việc quan sát sao băng (với điều kiện thời không mây, mưa và không khí không quá ô nhiễm).
Thời điểm quan sát lý tưởng cho bạn nếu như điều kiện thời tiết cho phép sẽ là từ 2h đến 5h sáng ngày 22/10. Hãy nhìn vào khoảng 40 độ trên bầu trời phía Nam, bạn sẽ thấy chòm sao Orion, trung tâm của trận mưa sao băng như hình dưới. Đây là chòm sao rất dễ nhận ra ngay cả với các bạn chưa có nhiều thời gian quan sát bởi 2 ngôi sao sáng rất nổi bật Betelgeuse và Rigel, ngoài ra là 3 ngôi sao thằng hàng cách rất đều nhau là cái thắt lưng của dũng sĩ Orion. Đừng quên đọc các lưu ý cơ bản về quan sát sao băng ở phía cuối bài viết để bạn có thể đạt kết quả quan sát tốt nhất.
Lưu ý trước khi quan sát
- Hãy hết sức chú ý bảo vệ sức khỏe của bạn bằng cách mặc ấm trước khi ra ngoài trời lạnh (nhất là với các tỉnh miền Bắc)
- Theo dõi thời tiết trước khi quyết định quan sát, trong trường hợp trời nhiều mây, tốt nhất bạn không nên lãng phí thời gian và sức lực của mình để đổi lấy sự thất vọng
- Chọn địa điểm có góc nhìn rộng, không bị ánh đền chiếu thẳng vào mắt, tuy nhiên bạn cũng nên hết sức lưu ý chọn địa điểm sao cho vừa quan sát tốt vừa bảo đảm an ninh cho bản thân vào ban đêm.
- Nên quan sát sau 12h đêm, lý tưởng nhất là từ 2 đến 4 giờ sáng ở tư thế nằm ngửa vì đó là tư thế tốt nhất để bạn luôn hướng ánh mắt lên bầu trời.
- Bạn không cần kính thiên văn hay ống nhòm để quan sát mưa sao băng, thậm chí điều đó còn làm kết quả tệ hơn là quan sát bằng mắt thường vì tốc độ của mỗi sao băng lên tới hơn 30km/s, ở độ phóng đại của kính thiên văn và ống nhòm, vận tốc góc sẽ nhân lên nhiều lần nữa và bạn không thể kịp đưa ống kính đuổi theo để nhìn được. Nếu bạn muốn ghi hình lại, bạn cần đến những camera có thể focus ra xa vô tận và đặt chế độ chụp nhanh, liên tục, hay đơn giản là để chế độ quay phim liên tục, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện dùng một máy ảnh kĩ thuật số thông thường và đợi sao băng đang lướt qua thì bấm máy.
Đặng Vũ Tuấn Sơn
http://tuanson.thienvanvietnam.org
Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn Thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng bài viết này