Lại một lần nữa thông tin từ dự án Kepler làm chúng ta phải chú ý. Lần này, những gì chúng ta biết là các hành tinh dạng Trái Đất thực tế phổ biến ở quanh các sao nhóm F, G và K hơn là những dự đoán ban đầu.

 

Trong biểu đồ quang phổ phân loại sao, Mặt Trời của chúng ta là một sao lùn vàng thuộc dãy G. Trong khi đó F và K là 2 dãy ngay kế bên (dãy đầy đủ là O, B, A, F, G, K, M), F là nhóm các sao nóng và sang hơn Mặt Trời còn K là các sao mờ và lạnh hơn. Các hành tinh có thể sinh sống được như Trái Đất có thể có khoảng cách tới sao mẹ gấp đôi bán kính quĩ đạo của Trái Đất nếu sao mẹ của chúng là các sao F, ngược lại trong trường hợp các sao K, khoảng cách đó có thể nhỏ hơn khoảng cách từ Sao Thủy tới Mặt Trời.

Tiến sĩ Wesley Traub, trưởng nhóm nghiên cứu của chương trình khám phá các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời của NASA pgacs thảo về lý thuyết của ông trong bài báo mới đây đăng trên tạp chí Vật lý Thiên văn (Astrophysical Journal)

Theo các tính toán của Traub trong bài báo này, ông cho rằng có tới khoảng 1 phần 3 số sao thuộc các dãy F, G, K là có hành tinh có thể sống được quay quanh, sử dụng dữ liệu từ các quan sát trong 136 ngày đầu của dự án Kepler.

Từ con số 1235 ứng viên quan sát được, Traub rút gọn danh sách còn 159 hành tinh chuyển động quanh các sao F, 475 của các sao G và 325 của sao K. Tổng cộng có 959 hành tinh ngoài hệ theo mô hình này của Traub. Theo mô hình này, Traub định nghĩa các hành tinh đạt yêu cầu là các hành tinh có bán kính từ nửa đến gấp đôi Trái Đất và khối lượng từ 1/10 đến 10 lần khối lượng của Trái Đất.
Bài báo qui định 3 giới hạn về vùng có thể sống được (HZ). Vùng rộng nhất là 0,72 đến 2,00 Au (đơn vị thiên văn), tính từ sao mẹ đến hành tinh, co hẹp hơn là vùng ở khoảng cách 0,80 đến 1,80 AU và hẹp hơn nữa là 0,95 đến 1,67AU.

Sau một thời gian nghiên cứu về các điều kiện cho phép một hành tinh có thể có sự sống dựa vào khoảng cách và nhiệt độ của ngôi sao, Traub đưa ra tổng kết rằng tỷ lệ số sao thuộc dãy F, G, K có hành tinh đạt yêu cầu như vậy chuyển động quanh là (34±14)%. Tuy nhiên cũng theo Traub thì điều này chưa phải chính xác vì với công nghệ ngày nay Kepler chưa thể xác định được hết các hành tinh nhỏ khi chúng ở quanh các sao mờ.

VACA
(theo Universe Today)