Mấy ngày gần đây, một số báo báo điện tử cùng các forum, website trên mạng lại tung tin đòn về việc Mặt Trăng ngày rằm tháng 3 sắp tới (ngày 17/4/2011) lại là một Mặt Trăng đặc biệt (như một số nơi gọi là "siêu Mặt Trăng"). Xin có vài lời về việc này.

 

Hiện tượng Mặt Trăng xảy ra như ngày 19/3 (tháng trước) gây xôn xao dư luận không chỉ VN mà cả thế giới đơn giản là vì đó là sự kiện Mặt Trăng tiến gần Trái Đất hiếm có, lại trùng hợp rơi vào thời điểm trăng rằm (full moon, xin phép phần còn lại của bài này tôi sẽ dùng thuật ngữ full moon này để chỉ thời điểm Mặt Trăng "tròn nhất" vì ngày rằm âm lịch thực tế như ta biết đôi khi trăng 16 còn tròn hơn 15 là vì qui ước tính lịch). Trong khoa học thực tế không hề có khái niệm nào gọi là "siêu Mặt Trăng" cả, nó chỉ do một số người tự đặt ra cái tên gọi đó để chỉ hiện tượng khi Mặt Trăng đạt đến điểm full moon trùng với thời điểm nó đi qua cận điểm trên quĩ đạo chuyển động quanh Trái Đất (đọc lại bài "Mặt Trăng ngày 19/3 có lớn hơn bình thường?"). Ngày 19 tháng 3, full moon đạt tới vào lúc 18h11 UTC tương đương với khoảng hơn 1h sáng ngày 20/3 theo giờ Việt Nam (GMT+7), trong khi Trăng đi qua cận điểm vào lúc 19h10 UTC (khoảng hơn 2h sáng giờ VN), tức là 2 thời điểm này gần trùng khít với nhau, cộng với việc Mặt Trăng vào lúc cận điểm này chỉ cách Trái Đất 356577 km, đây là 1 kỉ lục hiếm khi xảy ra, lần cuối cùng Mặt Trăng gần Trái Đất như thế là từ ngày 19 tháng 1 năm 1992, khi đó nó cách Trái Đất 356548 km. Chính vì như vậy nên người ta mới chú ý khá nhiều đến hiện tượng 19/3 (chứ không phải nó gây ra động đất, sóng thần hay chuyện gì đặc biệt). Ngày 17/4 tới, theo giờ và theo lịch âm của Việt Nam thì là ngày rằm, song thực tế full moon xảy ra vào 2:44 UTC (tức khoảng 9h45 giờ Việt Nam) ngày 18/4. Trong khi đó Mặt Trăng đi qua cận điểm vào 6:01 UTC ngày 17/4, tức là trước full moon tới hơn 20 giờ. Chỉ nguyên việc này đã cho thấy việc coi đây là hiện tượng trùng lặp là sai. Mặt khác, khoảng cách của Mặt Trăng tới Trái Đất vào cận điểm lần này là 358087 km, không có gì đặc biệt cả. Ví dụ ngay như năm 2010, full moon và cận điểm chỉ cách nhau có 3 giờ đồng hồ vào ngày 30/1/2010, khoảng cách khi đó là 356592 km, tức là chỉ xa hơn hôm 19/3 một chút nhưng khi đó không có báo chí nào làm xôn xao lên cả. Tại sao? Phải chăng chỉ vì báo chios cần tin giật gân, còn vài nhà nghiên cứu nào đó chỉ muốn tên mình được đánh bóng thêm, rồi kết quả là đưa thông tin sai, thậm chí thêm mắm muối như động đất, sóng thần để làm hoang mang người đọc?

Có vài lời, mong các độc giả lưu ý để tuyệt đối không phí thời gian cho "tin vịt" này!

(Ngoài ra, nếu bạn quan tâm thì ngày rằm 17 này, khi quan sát Mặt Trăng vào khoảng sau 7h tối, bạn sẽ thấy nó cùng với Sao Thổ (Saturn) và sao Spica - ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Virgo) ở gần nhau trên bầu trời, chúng lập thành một tam giác vuông khá đẹp mà Mặt Trăng chính là góc vuông - hình dưới, chụp từ phần mềm Stellarium)

Đặng Vũ Tuấn Sơn (CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam)
Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn Thienvanvietnam.org khi copy bài viết này