Một tiểu hành tinh nhỏ đã bốc cháy trong khí quyển của Trái Đất ở ngoài khơi bờ biển California chỉ vài giờ sau khi được phát hiện và trước khi các hệ thống giám sát va chạm kịp ghi nhận quỹ đạo của nó.
Tháng trước, một tiểu hành tinh đã xâm nhập vào khí quyển Trái Đất chỉ vài giờ sau khi được phát hiện, va bằng cách nào đó mà nó đã đi qua được các hệ thống giám sát va chạm khi tiến đến gần hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, may mắn là vật thể này có đường kính chỉ 3 feet (1 mét) và không gây ra mối đe dọa đáng kể nào đối với bề mặt Trái Đất.
Tiểu hành tinh này, được ký hiệu là 2024 UQ, được phát hiện lần đầu vào ngày 22 tháng 10 bởi hệ thống khảo sát ATLAS (Asteroid Terrestrial-impact Last Alert System/Hệ thống cảnh báo cuối cùng về va chạm của tiểu hành tinh với Trái Đất) ở Hawaii, một mạng lưới gồm bốn kính thiên văn quét bầu trời để tìm các vật thể di chuyển có khả năng là đá vũ trụ đang lao vào Trái Đất. Hai giờ sau đó, tiểu hành tinh đã bốc cháy trên Thái Bình Dương gần California, trở thành một "tiểu hành tinh sắp va chạm".
Khoảng thời gian ngắn giữa phát hiện và va chạm khiến các hệ thống giám sát va chạm, do Trung tâm Điều phối Vật thể Gần Trái Đất (NEOCC) của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) điều hành, không nhận được dữ liệu theo dõi về tiểu hành tinh đang tiến đến cho đến khi nó đã va vào Trái Đất, theo bản tin tháng 11 năm 2024 của trung tâm này.
"Khảo sát ATLAS đã thu được hình ảnh bao gồm các quan sát về một vật thể nhỏ có quỹ đạo va chạm với xác suất cao. Tuy nhiên, do vị trí của vật thể gần rìa của hai vùng liền kề, nên vài giờ sau đó ứng viên này mới được nhận dạng là một vật thể đang di chuyển," ESA viết trong bản tin.
"Khi dữ liệu thiên văn đến được các hệ thống giám sát va chạm thì va chạm đã xảy ra."
Trung tâm Điều phối NEO của ESA cho biết các tia sáng đã được phát hiện bởi các vệ tinh thời tiết GOES của Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ (NOAA) và Khảo sát Bầu trời Catalina - một dự án của NASA sử dụng một loạt kính thiên văn để tìm kiếm các tiểu hành tinh và sao chổi trong vùng không gian gần chúng ta. Những tia sáng này đủ để xác nhận va chạm của tiểu hành tinh 2024 UQ cũng như quỹ đạo của nó.
Theo ESA, đây là tiểu hành tinh "sắp va chạm" thứ ba được phát hiện trong năm nay. Đối với hai tiểu hành tinh khác đã được phát hiện trong vòng vài giờ trước khi va chạm vào Trái Đất trong năm 2024, tiểu hành tinh đầu tiên là 2024 BX1, có kích thước khoảng 3,3 feet (1 mét) và đã bốc cháy mà không gây hại ở trên bầu trời Berlin, Đức vào tháng Một. Tiểu hành tinh còn lại, 2024 RW1, đã phát nổ trên bầu trời Philippines vào ngày 4 tháng 9.
Các nỗ lực phòng thủ hành tinh nhằm thống kê những tảng đá vũ trụ trong vùng không gian của chúng ta đã trở thành ưu tiên hàng đầu đối với các cơ quan không gian trên toàn thế giới. Ngoài khảo sát ATLAS, Khảo sát Bầu trời Catalina, NEOCC của ESA và các dự án khác tương tự, NASA đang phát triển một kính thiên văn hồng ngoại mới mang tên NEO Surveyor để săn tìm các vật thể gần Trái Đất có khả năng gây nguy hiểm.
Nhưng không chỉ dừng lại ở việc phát hiện và theo dõi. Các cơ quan không gian đang thử nghiệm các phương pháp để chuyển hướng tiểu hành tinh nếu cần thiết. Năm 2022, nhiệm vụ DART của NASA đã cho va chạm một vật thể vào một hệ tiểu hành tinh kép nhằm thay đổi quỹ đạo của nó (và đã thành công). Trung Quốc cũng đang phát triển một sứ mệnh riêng để chuyển hướng một tiểu hành tinh vào năm 2030.
Bryan
Theo Space.com