Leonids

Một trong những trận mưa sao băng thường được chú ý hàng năm - mưa sao băng Leonids - đang diễn ra và sẽ đạt cực điểm vào cuối tuần này. Nếu thời tiết thuận lợi, bạn sẽ có nhiều cơ hội quan sát những vệt sao băng tỏa ra từ chòm sao Leo.

Nguồn gốc và đặc điểm

Mưa sao băng Leonids có nguồn gốc từ những mảnh vụn của sao chổi 55P Tempel-Tuttle. Khi sao chổi này đi qua tới gần Mặt Trời, nó để lại nhiều mảnh vụn là các thiên thạch nhỏ, trải dài trong không gian và cắt qua quỹ đạo Trái Đất. Hàng năm khi Trái Đất đi qua khu vực của đám tàn dư này, những mảnh vụn với kích thước của những viên đá đó lao qua khí quyển và cháy sáng tạo thành các sao băng của Leonids. Cái tên Leonids (hay Leonid) là xuất phát từ việc vùng trung tâm tập trung hầu hết các sao băng của hiện tượng này là phần đầu của chòm sao Leo (Sư tử).

Trong quá khứ, Leonids là một mưa sao băng lớn và đã từng có lần có số lượng sao băng cao bất thường - hàng nghìn sao băng mỗi giờ, được những người quan sát gọi là "bão sao băng" hay còn được ví von là tiếng gầm của con sư tử. Sự bùng nổ đó xảy ra khi Trái Đất đi qua đúng khu vực có mật độ thiên thạch cao nhất của đám tàn dư do sao chổi để lại. Dù vậy, theo dự đoán, bão sao băng của Leonids sẽ không xuất hiện cho tới năm 2033. Điều đó có nghĩa là Leonids năm nay chỉ là một mưa sao băng trung bình với mật độ chỉ khoảng 20 tới tối đa là 30 sao băng mỗi giờ ở cực điểm ngay cả khi quan sát trong điều kiện thuận lợi nhất.

Bức tranh khắc mô tả lại bão sao băng năm 1833 ở Mỹ. Nó được Adolf Vollmy thực hiện dựa trên bức tranh gốc của họa sĩ người Thụy Sĩ Karl Jauslin, bức tranh gốc này lại dựa trên lời kể của một mục sư Joseph Harvey Waggoner về cơn bão sao băng ông quan sát được khi đang đi trên đường từ Florida đến New Orleans. Nguồn: Wikipedia.

 

Thời điểm và vị trí quan sát

Mặc dù trên thực tế Leonids kéo dài trong nhiều ngày nhưng với một mưa sao băng có mật độ nhỏ thì thời điểm thực sự phù hợp là vào cực điểm của nó, rạng sáng ngày 17 và 18 tháng 11 này.

Khoảng 2 giờ sáng, chòm sao Leo sẽ lên đủ cao để bạn có thể nhìn rõ. Chòm sao này rất dễ nhận ra bởi các sao sáng và hình dạng đặc biệt của nó, miễn là trời đủ trong (như hình trên). Phần đầu của sư tử là nơi xuất phát hầu hết các sao băng của hiện tượng này. Bạn có thể quan sát Leonids trong toàn bộ thời gian từ khi nhìn thấy chòm sao Leo cho tới khi trời sáng.

Năm nay, Mặt Trăng sẽ cản trở phần nào việc bạn quan sát hiện tượng này, khiến số sao băng bạn có thể quan sát giảm đi đôi chút. Dù vậy, nếu trời đủ trong thì đây vẫn là một hiện tượng đáng chú ý với những người yêu thích quan sát. Các sao băng không chỉ xuất hiện ở đúng khu vực trung tâm của Leo mà có thể xuất hiện ở mọi nơi trên bầu trời, do đó hãy chọn điểm nhìn là khu vực không quá xa Leo nhưng theo phía ngược lại với phía có sự hiện diện của Mặt Trăng.

Tại những khu vực thời tiết lý tưởng (không mây mù, không mưa) và rất ít ô nhiễm khí quyển, số lượng bạn có thể thấy là khoảng 20 sao băng mỗi giờ, giảm xuống ít hơn nữa khi ở những khu vực ô nhiễm. Ở những khu vực có mức độ ô nhiễm cao như các khu công nghiệp, công trình xây dựng hoặc các đô thị lớn có mức độ ô nhiễm ánh sáng quá cao, khả năng quan sát được hiện tượng này là không cao, nếu có thì cũng chỉ có thể thấy những sao băng sáng nhất - khoảng vài sao băng mỗi giờ.

Với người quan sát ở những khu vực có nhiều khả năng quan sát được: Bạn không cần bất cứ thiết bị gì để quan sát mưa sao băng vì mắt thường là cách quan sát tốt nhất. Dù vậy, hãy lưu ý rằng bạn cần chọn địa điểm có góc nhìn rộng, không có hoặc rất ít ánh sáng từ các bóng đèn và tất nhiên cũng đừng quên bảo đảm sức khoẻ và an ninh cho bản thân (thường thì ban công hay nóc nhà của bạn có thể là những nơi khá lý tưởng). Một điểm nữa rất cầu lưu ý là thời tiết, nếu trời nhiều mây hoặc có mưa bạn sẽ không có cơ hội quan sát hiện tượng này.

VACA

Tham khảo và đặt mua lịch thiên văn 2025 của VACA để nắm rõ hơn lịch trình các sự kiện thiên văn vào năm tới TẠI ĐÂY.