ESO 428-G14

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế do các nhà nghiên cứu tại Đại học Newcastle dẫn đầu đã sử dụng Kính thiên văn không gian James Webb (JWST) để tiết lộ một lớp bụi ẩn trong một thiên hà cách chúng ta 70 triệu năm ánh sáng.

Nghiên cứu này đã chỉ ra một cách đầy bất ngờ rằng năng lượng làm nóng bụi đến từ các va chạm của khí di chuyển gần với vận tốc ánh sáng, chứ không phải do bức xạ từ lỗ đen siêu nặng của thiên hà.

Nghiên cứu này do Houda Haidar, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Toán học, Thống kê và Vật lý (thuộc Đại học Newcastle), dẫn đầu, đã được công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.

Houda và nhóm của cô là thành viên của dự án GATOS, một hợp tác quốc tế với mục đích nghiên cứu trung tâm của các thiên hà ở gần bằng cách sử dụng JWST.

“Có cơ hội làm việc với dữ liệu độc quyền từ JWST và truy cập những hình ảnh tuyệt đẹp này trước bất kỳ ai khác là điều thật vô cùng hào hứng,” Houda nói. “Tôi cảm thấy rất may mắn khi được là một phần của nhóm GATOS. Làm việc chặt chẽ với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này thật sự là một đặc ân.”

 

Bụi bao quanh các lỗ đen siêu nặng

Các nhà thiên văn học định nghĩa một nhân thiên hà hoạt động (AGN) là một lỗ đen siêu nặng, có khối lượng từ hàng triệu đến hàng tỷ lần khối lượng Mặt Trời, phát triển bằng cách ăn khí ở không gian lân cận. Trong nhiều AGN, các đám mây bụi và khí dày đặc che khuất tầm nhìn của các đài quan sát mặt đất.

Tầm nhìn hồng ngoại của JWST xuyên qua lớp bụi này để tiết lộ thông tin về cái lõi ẩn phía trong. Đồng thời, độ nhạy của nó cho phép chúng ta lần đầu tiên giải mã cấu trúc chi tiết của lớp bụi này xuyên suốt hàng trăm năm ánh sáng.

Những hình ảnh mới của JWST về ESO 428-G14 tiết lộ rằng phần lớn bụi gần lỗ đen siêu nặng được phân tán dọc theo luồng sóng vô tuyến. Một cách bất ngờ, nghiên cứu tìm thấy một mối liên hệ chặt chẽ giữa bụi và sóng vô tuyến, cho thấy chính luồng này có thể chịu trách nhiệm cho việc làm nóng và hình thành lớp bụi quan sát được.

Tiến sĩ David Rosario, giảng viên cao cấp tại Đại học Newcastle và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Có rất nhiều tranh luận về cách mà các AGN chuyển năng lượng vào môi trường xung quanh. Chúng tôi không ngờ rằng các luồng sóng vô tuyến lại là nguyên nhân. Dù sao, điều đó đã xảy ra.”

Bằng cách nghiên cứu bụi gần các lỗ đen siêu nặng, chúng ta đang tìm hiểu cách mà các thiên hà tái chế vật chất của mình, điều này cuối cùng giúp chúng ta hiểu về những quá trình mà qua đó các lỗ đen siêu nặng ảnh hưởng đến các thiên hà, bao gồm cả thiên hà của chúng ta.

Bryan
Theo Phys.org