Mấy ngày gần đây, nhiều tin tức đang lan truyền rất nhanh trên mạng về việc "Mặt Trăng lớn chưa từng thấy" và "có phải báo hiệu thảm họa hay ngày tận thế sắp đến". Hộp mail của VACA nhận được khá nhiều mail hỏi về vấn đề này chỉ mới trong 2 ngày 14 và 15 tháng 3 này. Xin có vài chú thích về hiện tượng này.
Ngày 19 tháng 3 sắp tới, tương ứng với ngày 15 tháng 2 âm lịch (rằm), việc hôm đó Mặt Trăng có lớn hơn ngày thường đôi chút là có thật. Nguyên nhân như sau: Quĩ đạo của mặt Trăng quanh Trái Đất là một quĩ đạo elip chứ không phải là quĩ đạo tròn, do đó khoảng cách từ mặt Trăng tới Trái Đất không phải một con số cố định mà nó biến đổi phụ thuộc vào vị trí của Mặt Trăng trên quĩ đạo. Có 2 điểm đặc biệt là cận điểm và viễn điểm. Cận điểm là điểm trên quĩ đại gần Trái Đất nhât, còn viễn điểm là điểm xa nhất. Như vậy trong mỗi chu kì quĩ đạo (không trùng với chu kì tháng vì thực tế tháng âm lịch không hoàn toàn chính xác với chu kì quĩ đạo của Trăng) Mặt Trăng đều đi qua cận điểm và viễn điểm một lần chứ không phải là hiện tượng gì quá hiếm hoi cả.
Trong chu kì lần này, Mặt Trăng đã đi qua viễn điểm vào hôm 6/3 vừa qua, khi đó khoảng cách của nó tới Trái Đất là 406.583km, vào ngày 19/3 tới nó sẽ đi qua cận điểm có khoảng cách chỉ có 356.575km (thường khi nói Mặt Trăng cách Trái Đất 384.000km tức là nói về khoảng cách trung bình trên toàn bộ quĩ đạo). Điều trùng hợp là do như trên đã nói, quĩ đạo Mặt Trăng không trùng với chu kì tháng, nên ngày Mặt Trăng đi vào cận điểm không phải luôn vào cùng một ngày trong tháng âm lịch, lần này ngày cận điểm này trùng với ngày trăng rằm (hiện tượng này xảy ra khoảng 413 ngày một lần). Như ta biết ngày rằng là ngày chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ đĩa sáng của Mặt Trăng, và do đó kết hợp với việc Mặt Trăng đang ở cận điểm (gần nhất có thể) nên dẫn đến việc đây là ngày có thể thấy Mặt Trăng lớn nhất. Ngoài ra Mặt Trăng không hề tiến gần Trái Đất "đột ngột" như nhiều nơi đang tung tin. Ngoài ra về độ lớn của Mặt Trăng, nói rằng đây là hiện tượng hiếm gặp cũng không sai, nhưng hãy nhớ, nếu bạn từng nhìn thấy nguyệt thực một lần (chỉ cần nguyệt thực nửa tôi, khá thường xuyên xảy ra) là bạn đã cảm thấy Mặt Trăng lớn còn hơn lần 19/3 sắp tới.
Những thảm họa liệu có thật không?
Như trên đã nói, đây không phải trường hợp quá hiếm gặp. Tuy nhiên chúng ta hãy cùng quan tâm tới một số trùng hợp khác và những gì phát sinh từ hiện tượng nêu trên.
Chúng ta đã biết rằng thủy triều trên Trái Đất là cực đại vào những ngày trăng rằm do Mặt Trời và Mặt Trăng nằm ở hai phái của Trái Đất đối diện nhau, do đó tổng lực hấp dẫn tác động lên Trái Đất nói chung cũng như lớp nước trên đại dương nói riêng là cực đại hàng tháng. Mặt khác, hàng năm Trái Đất đi qua cận điểm với Mặt Trời (điểm cận nhật) vào tháng 1, đến nay vẫn còn rất gần với vị trí này nên đây cũng là thời gian lực hấp dẫn của Mặt Trời tác động lên Trái Đất là tương đối lớn. Khi Mặt Trăng đi qua cận điểm như lần tới này, Mặt Trăng ở gần Trái Đất hơn tạo nên lực hấp dẫn lớn hơn, kết hợp với việc rơi vào ngày rằm nên thủy triều trên Trái Đất sẽ lớn hơn những ngày rằm bình thường.
Tất cả chỉ có vậy, bạn hãy chấm dứt ngay việc đọc những mẩu tin lá cải lan truyền khắp nơi trên mạng và hãy thử tự suy nghĩ: Mặt Trăng chỉ gần Trái Đất hơn có 10%, do đó độ rộng của đĩa sáng ta nhìn thấy tăng không đáng kể (khó nhận ra nhất là khi nó lên cao), thủy triều cũng chỉ cao hơn bình thường một chút, hoàn toàn không gây ra thảm họa nào, cũng không liên quan gì tới các vụ động đất, sóng thần ở Thái Bình Dương gần đây. Đừng bao giờ đặt câu hỏi "tại sao lại có sự trùng hợp?" vì bản thân việc bạn đang tồn tại trên thế giới này cũng đã là một sự trùng hợp rồi!
Tham khảo một vài thông tin từ website earthsky.org